22/11/2024 | 16:37 GMT+7, Hà Nội

Dịch tả lợn Châu Phi tại ĐBSCL diễn biến phức tạp

Cập nhật lúc: 06/06/2019, 00:06

Công tác đối phó với dịch bệnh này đang được các ngành, các cấp và hộ chăn nuôi thực hiện khẩn trương.

Các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có đàn lợn thương phẩm quy mô lớn. Tuy nhiên tại thời điểm này, nạn dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan nhanh. Công tác đối phó với dịch bệnh này đang được các ngành, các cấp và hộ chăn nuôi thực hiện khẩn trương.

Phóng viên báo Nhà báo và Công luận ghi nhận, tại tỉnh Tiền Giang (có đàn lợn thương phẩm với hơn 560.000 con) đã phát hiện 06 ổ dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, huyện Cái Bè đã có 5 trường hợp lợn bệnh, tại các xã: Mỹ Trung, Hậu Mỹ Trinh, Thiện Trí, Thiện Trung. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lây lan mầm bệnh từ các địa bàn giáp ranh từ tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long.

Riêng tại Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã xảy ra một trường hợp lợn bệnh tại xã Long Khánh. Chính quyền và ngành thú y địa phương đã tiến hành tiêu hủy bằng phương pháp đốt và chôn xuống lòng đất trên 300 con lợn trong số các đàn lợn nhiễm bệnh.

Đàn lợn của ông Lê Ngọc Tài bị bệnh DTLCP. Ảnh NTĐàn lợn của ông Lê Ngọc Tài bị bệnh DTLCP. 

Như vậy, tính đến nay ở vùng ĐBSCL đã có 10/13 tỉnh, thành xuất hiện DTLCP, đó là: Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Tiền Giang.

Ông Lê Ngọc Tài, hộ nuôi trại lợn ở ấp Phú Thuận, xã Long Khánh, Thị xã Cai Lậy có đàn lợn 340 con bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho biết, đến nay, ông và ngành chuyên môn vẫn chưa biết được nguồn nào lây lan mầm bệnh cho đàn lợn này. Vì ông tiêm vắc xin đầy đủ và luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

Ông Nguyễn Ngọc Kính, Chủ tịch UBND xã Long Khánh cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn đang triển khai quyết liệt. “Ở xã Long Khánh đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì mầm bệnh chưa xác định từ đâu đến. Khi phát hiện thì đã xảy ra dương tính. Hiện xã Long Khánh đang dập dịch hộ ông Lê Ngọc Tài. Hiện nay, chúng tôi làm rất cơ bản, tiêu hủy bằng đốt và chôn lấp. Các hộ khác thì cũng có khả năng bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên chờ kết quả xét nghiệm như thế nào. Nếu có bệnh thì huy động cả hệ thống chính trị tiếp tục dập dịch trong thời gian tới.”

Tiêu hủy bằng phương pháp đốt và chôn xuống lòng đất. Ảnh: NT Tiêu hủy bằng phương pháp đốt và chôn xuống lòng đất.

Được biết, các cấp chính quyền, ngành chức năng và hộ chăn nuôi tại tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương chống dịch tả lợn Châu Phi. Tiền Giang đã thành lập gần 10 chốt kiểm dịch trên các tuyến đường giao thông đường bộ, lẫn đường thủy; phân công trách nhiệm vụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo ở các cấp; các địa phương tăng cường công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng nhất là các nơi đã phát hiện vi rút bệnh, không để phát tán. Đến nay, ngành thú y đã phun thuốc khử trùng cho trên 8.000 hộ chăn nuôi và 16 chợ buôn bán gia súc, gia cầm; tuyên truyền, cấp phát 1.500 tờ bướm về dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi cho người dân; đồng thời chuẩn bị vật tư, diện tích đất để xử lý ổ dịch.

Các tỉnh còn lại của vùng ĐBSCL là Long An, Bến Tre, Trà Vinh, ... cũng đang áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để phòng dịch. 

Tuy nhiên, do đặc thù vùng sông nước, việc vận chuyển lợn và thịt lợn đi lại giữa các tỉnh rất khó kiểm soát, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. 

Nguồn:  https://congluan.vn/dich-ta-lon-chau-phi-tai-dbscl-dien-bien-phuc-tap-post63018.html