19/01/2025 | 09:22 GMT+7, Hà Nội

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Hà Nội

Cập nhật lúc: 02/03/2019, 16:30

Diễn biến mới nhất về dịch tả lợn châu Phi (ASF), dịch đã chính thức xuất hiện ở Hà Nội tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên.

Về dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội từ ngày 22-27/2/2019, sau khi xét nghiệm tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên, kết quả cho thấy: Toàn bộ 25 con lợn rừng được nuôi tại đây dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo Cục Thú y, ngay sau khi bắt đầu có dấu hiệu nghi vấn, khu chăn nuôi đã bị phong tỏa, cách ly, 100% con lợn dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) đã bị xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn theo quy định.

dich ta lon chau phi da xuat hien tai ha noi
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở Long Biên, Hà Nội. Hình minh họa

Theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, ngoài việc phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, Chi cục Thú y Hà Nội và chính quyền địa phương đồng thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lấy mẫu lợn của các hộ xung quanh xét nghiệm tìm ASFV. Rất may, các mẫu xét nghiệm này đều cho kết quả âm tính. Đến nay, không có phát sinh lợn bệnh tại địa phương này.

Trước tình trạng bệnh ASF có dấu hiện lây lan ra nhiều tỉnh, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương đẩy mạnh công tác khống chế, không để dịch bệnh lan rộng.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT cũng đã nhiều lần đến các địa phương nơi xảy ra dịch bệnh để chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp: Thực hiện tiêu hủy toàn bộ số lợn dương tính với bệnh dịch bệnh tả lợn Châu Phi; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.

Để đề phòng tẩu tán lợn bệnh, vận chuyển thịt lợn làm lây lan dịch bệnh, các chốt, trạm kiểm tra, kiểm dịch cũng được tổ chức trên nhiều điểm. Cơ quan thú y đẩy mạnh rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn; lấy mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các địa điểm trung chuyển, thu gom, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm lợn; tại các hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi có lợn bị bệnh, nghi bị bệnh,....

Trên thế giới, tính đến ngày 26/2 có khoảng trên 20 quốc gia/lãnh thổ phát hiện dịch tả heo châu Phi. Trong đó, Trung Quốc có tới 110 ổ dịch, với gần 1 triệu con heo đã bị tiêu hủy. Thậm chí ở các nước chăn nuôi tiến tiến khác ở châu Âu cũng có.

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kì tháng 2 diễn ra chiều ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Việc ngăn chặn dịch bệnh vào Việt Nam rất khó khăn do hệ thống đường biên giới giáp với Trung Quốc có nhiều đường mòn khiến việc kiểm soát heo và sản phẩm thịt heo nhập lậu rất khó khăn. Hoạt động thương mại trong dịp Tết cũng tăng lên rất nhiều. Lượng khách du lịch của Trung Quốc vào Việt Nam cũng rất lớn.

Trong dịp Tết hoạt động giết mổ tăng, giá heo trong nước cao trong khi người dân cũng không tự giác nên heo ốm, heo chết cũng vận chuyển sang khu vực khác. Nhiều hộ dân bán chạy, bán chui heo.

Tùng Linh