19/01/2025 | 09:20 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất Dịch tả lợn châu Phi vào Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch

Cập nhật lúc: 01/03/2019, 23:01

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Trong đó, Bộ đề xuất đưa bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch.

de xuat dich ta lon chau phi vao danh muc benh dong vat tren can phai cong bo dich
Ảnh minh họa

Dự thảo cũng đề xuất bổ sung hướng dẫn phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Trong đó nêu rõ, bệnh Dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Hóa chất để diệt vi rút Dịch tả lợn châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1.000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1.000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2,3% hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.

Vi rút Dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

Dự thảo nêu rõ phương pháp xử lý và chống dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi như sau:

1- Khoanh vùng ổ dịch: Ổ dịch là trại, các trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 1 đơn vị cấp xã nơi phát hiện vi rút Dịch tả lợn châu Phi.

Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn châu Phi.

Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn châu Phi.

Vùng đệm: Trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn châu Phi.

2- Dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn: Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh điều chỉnh, xác định vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng giải pháp dừng vận chuyển. Không vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.

3- Quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch: Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

4- Chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.

Cơ quan thú y địa phương tổ chức lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát và gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Được biết, Dịch tả lợn châu Phi đã chính thức có mặt tại 4 tỉnh, thành của nước ta (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa) và đang có nguy cơ lây lan ra nhiều địa phương khác. Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng về chăn nuôi rất tổn thất. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành các tỉnh, thành trên cả nước đã có những chỉ đạo và hành động quyết liệt nhằm phòng chống có hiệu quả dịch bệnh này.

T.Quang