Dịch sởi bùng phát ở TP.HCM, nhiều người nhập viện
Cập nhật lúc: 15/01/2019, 13:01
Cập nhật lúc: 15/01/2019, 13:01
Số ca mắc tăng đột biến
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, trong tuần đầu tiên của năm 2019, TP ghi nhận 60 ca mắc sởi (trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào). 24 quận, huyện đều phát hiện ca mắc bệnh sởi, các quận có nhiều ca bệnh là quận Thủ Đức, Q.8, Q.12 và Bình Tân.
Tại các bệnh viện, số ca nhập viện vì mắc sởi đang ngày càng gia tăng, điển hình như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm 2018, bệnh sởi xuất hiện rải rác, có ngày bệnh viện không tiếp nhận ca sởi nào. Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 9 số ca bệnh sởi tăng lên là 17 ca, tháng 10 là 76 ca sởi, tháng 11 có 120 ca nhập viện.
Bác sĩHuỳnh Thị Thuý Hoa - Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết, hiện bệnh viện có 65 bệnh nhân đang điều trị sởi.So với cùng kỳ năm 2018, lượng bệnh nhân tăng gấp 50 lần, dù đây đang là thời điểm cuối mùa bệnh sởi. Đặc biệt, có trường hợp cả 2-3 người trong một gia đình mắc bệnh sởi.
"Điều này cho thấy dịch sởi đang bùng phát rất nhanh, nhiều khả năng đây sẽ là chu kỳ của đại dịch sởi bùng phát 4 năm/ lần. Đợt dịch sởi mới nhất vào năm 2014 và nay bước vào đầu 2019. Điều đáng nói, số lượng bệnh nhân mắc sởi đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện mới bước vào nửa tháng của năm 2019, nhưng bệnh nhân mắc sởi đã quá đông khiến khoa đang quá tải, không còn giường bệnh cho bệnh nhân điều trị”, bác sĩ Hoa chia sẻ.
Trẻ mắc sởi đang điều trị tại bệnh viện
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, hiện khoa có 61 ca sởi, tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các trẻ có bệnh nền, những bệnh nhi nhỏ tuổi. Bác sĩ Việt cũng cho biết, các bệnh nhi nhập viện phần lớn là ở các tỉnh ngoài TP.HCM, chiếm 70% tổng số các bệnh nhi điều trị nội trú.
Còn tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM hiện đang điều trị nội trú trung bình mỗi ngày cho gần 40 ca mắc sởi, trong đó có khoảng 5 - 7 ca phải chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ chỉ định nhập viện những trường hợp đã mắc biến chứng, số ca nhẹ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà, khi có bệnh không thuyên giảm thì đưa vào tái khám và điều trị tại bệnh viện.
Nhiều người lớn, thai phụ mắc sởi
Ngoài trẻ em, năm nay các bác sĩ cũng ghi nhận có đến 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bệnh sởi là căn bệnh khá nguy hiểm với các đối tượng này, có thể khiến họ sinh non hoặc thai lưu.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tính từ tháng 10/2018 đến nay, đã có 7 thai phụ mắc sởi, trong đó 3 trường hợp phải chấm dứt thai kỳ. Không chích ngừa đầy đủ mũi tiêm sởi-rubella trước khi mang thai là nguyên nhân chính khiến thai phụ mắc sởi gia tăng.
“Nguy cơ lớn nhất của thai phụ mắc bệnh sởi là sinh non, thai chết lưu và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Trong tháng 11/2018 có 1 ca thai phụ mắc sởi bị thai chết lưu, còn thai 12 vừa qua có 1 thai phụ sinh non mới 24 tuần tuổi ngay tại bệnh viện rồi chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ để điều trị, một số trường hợp khác cũng bị sinh non ở tuần thứ 30 đến 34. Ngoài ra, thai phụ mắc sởi còn bị viêm phổi phải điều trị dài ngày, phức tạp”, bác sĩ Hoa cho biết.
Đang chăm vợ và con cùng mắc sởi tại Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, anh Lê Hoàng Sơn (36 tuổi, trú tại Quận 12, TP.HCM) cho biết, cách đây một tuần, vợ anh bị sốt, đau họng. Nghĩ vợ bị cảm cúm thông thường nên anh Sơn chỉ mua thuốc uống. Tuy nhiên, 4 ngày sau, trong khi bệnh tình của vợ không giảm bớt thì con trai 10 tuổi của anh cũng bắt đầu có triệu chứng tương tự. Anh đưa 2 mẹ con đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và các bác sĩ xác định cả 2 mẹ con đều mắc sởi.
Để phòng bệnh sởi, theo các bác sĩ, tiêm vắc xin sởi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất; trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần được tiêm chủng đầy đủ nhất. Với trẻ em, tiêm mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Với những bệnh nhân đã mắc bệnh cần cách ly để bệnh không lây lan ra cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ tháng 11 đến tháng 12/2018 vừa qua, TP đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, tăng cường tiêm phòng sởi, rubella cho khoảng 300.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm người dân đi lại nhiều, những người chưa tiêm chủng mắc bệnh sởi sẽ dễ lây lan ra cộng đồng, vì vậy việc tiêm bổ sung vắc xin là điều cần phải làm.
Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, bệnh sởi xảy ra quanh năm. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… Chính vì vậy, bệnh dễ mắc thành dịch. Triệu chứng bệnh sởi Khi mắc bệnh người bệnh có thời gian ủ bệnh từ 10 đến 12 ngày sau đó mới phát tán thành các biểu hiện bệnh. Những dấu hiệu bệnh sởi tiêu biểu: - Mắt đỏ dấu hiệu của viêm võng mạc, không chịu được ánh sáng, sốt nhẹ ho khan , ho không có đờm kéo dài liên tục, chảy nước mũi…Bên trong miệng, gần gò má sẽ xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên là các nốt sần trắng xanh. - Đến giai đoạn phát ban khi bệnh đã bắt đầu lan nhanh ra bên ngoài bằng những mảng ban to nổi cộm lên bề mặt da ở vùng mặt, cổ cánh tay, đùi….và lan dần xuống chân cho đến hết. - Trong giai đoạn phát ban những vết ban lan rất nhanh kèm theo các triệu chứng sốt cao có khi lên đến 104 độ F. Bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Đó là những dấu hiệu bệnh sởi thông thường nhất có thể thấy, tuy nhiên bệnh sởi còn có những biến chứng nguy hiểm như gây ra các bệnh: viêm não, viêm giác mạc, tiêu chảy, viêm phế quản, tai mũi họng… |
15:41, 04/12/2018
09:31, 04/10/2018
04:02, 09/08/2018