19/01/2025 | 05:59 GMT+7, Hà Nội

Dịch Covid-19: Chung tay cùng hộ kinh doanh vượt khó!

Cập nhật lúc: 24/03/2020, 11:40

Sau hơn 3 tháng hoành hành, dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó những thực thể bị ảnh hưởng ngay và trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn...

Sau hơn 3 tháng hoành hành, dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó những thực thể bị ảnh hưởng ngay và trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Hà Nội. 

Để cắt lỗ, nhiều hộ kinh doanh buộc phải tìm đủ cách xoay xở, chuyển hướng hoạt động, thậm chí chấp nhận sang nhượng, trả lại mặt bằng… Trong bối cảnh đó, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều người cho thuê mặt bằng đã chung tay giúp đỡ khách thuê vượt qua khó khăn, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Nhà hàng Thác Bạc trên đường Tố Hữu (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cầm cự chờ qua mùa dịch

Từ đầu năm 2020 đến nay, hầu hết cửa hàng kinh doanh ăn uống, thời trang, dịch vụ... trên địa bàn Hà Nội đều trong cảnh “đìu hiu”. Tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất của Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Tạ Hiện, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Kim Mã, Cầu Giấy,... trước đây vốn tấp nập, khách ra vào nườm nượp, thì nay đều trong cảnh “vắng như chùa Bà Đanh” hoặc đã ngừng hoạt động.

11h30 ngày 22-3, quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại khu vực ngã tư đường Vạn Phúc - Tố Hữu thuộc địa phận phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), một số nhà hàng phải đóng cửa do vắng khách. Nhà hàng bia hơi Mai Hương - một trong những quán ăn thu hút đông khách nhất, nhì khu vực nay cũng phải đóng gần nửa diện tích kinh doanh vì thua lỗ. Anh Nguyễn Văn H - đại diện chủ nhà hàng bia hơi Mai Hương cho biết, gần một tháng nay lượng khách đến ăn uống giảm tới 70-80%. Hiện, mỗi ngày nhà hàng phải bù lỗ khoảng 50 triệu đồng để chi trả lương nhân viên, thuê mặt bằng.

Tương tự, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhà hàng Lẩu nấm Gia Khánh kinh doanh tại các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông... cũng hoạt động cầm chừng bởi lượng khách giảm từ 60 đến 70%, trong khi chuỗi nhà hàng phải “gánh” chi phí thuê mặt bằng gần 300 triệu đồng/tháng, chưa kể lương của hàng trăm nhân viên và các chi phí khác.

Thừa nhận dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy) chứng minh bằng thực tiễn rằng, ngày nào phường cũng phải ký văn bản ghi nhận việc các cửa hàng xin dừng hoạt động. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề, chỉ một số hàng thực phẩm, đồ tiêu dùng thiết yếu vẫn hoạt động túc tắc.

Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, treo biển cho thuê mặt bằng trên phố Lương Văn Can (quận Hoàn Kiếm).

Cùng chia sẻ khó khăn

Trước những khó khăn ngày càng đè nặng lên vai người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều cơ sở phải đóng cửa tạm thời, sang nhượng cửa hàng… để giảm thua lỗ. Đặc biệt, với những cửa hàng kinh doanh ăn uống thường phải thuê mặt bằng ở những vị trí mặt tiền, đắc địa đang phải gánh những khoản thuê tương đối lớn. Song, thật đáng quý khi đã xuất hiện những sự chia sẻ, đồng hành của không ít tổ chức, cá nhân có mặt bằng cho thuê đã giảm, miễn giá thuê mặt bằng. Hơn thế, họ còn đồng thời cam kết sẽ đồng hành với chủ cơ sở kinh doanh đến khi hết dịch.

Bà Trần Thị P. - phường Quang Trung (quận Hà Đông) đang sở hữu mặt bằng rộng 600m2 tại tòa nhà Hoàng Gia cho biết, sau khi nhận được đề nghị giảm giá của các đơn vị thuê mặt bằng, bà đã quyết định giảm giá thuê 30% trong tháng 3 và tháng 4-2020. “Căn cứ vào tình hình dịch, tôi sẽ cân nhắc giảm thêm, góp phần chia sẻ với những khó khăn của người thuê do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19” - bà P. chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Bá, chủ hệ thống Lẩu nấm Gia Khánh cũng chia sẻ: "Nhiều chủ nhà đã miễn tiền thuê mặt bằng 3 tháng và cam kết sẽ đồng hành với chúng tôi cho đến khi qua đại dịch. Sự giúp đỡ kịp thời đó đã giúp chúng tôi giảm đáng kể chi phí và cả nỗi lo đóng cửa nhà hàng vĩnh viễn!".

Thống kê của Cục Thuế Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2020 đã có hơn 3.000 hộ phản ánh phải ngưng kinh doanh do dịch Covid-19. Để tháo gỡ khó khăn cho những đối tượng này, theo Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law firm, các cửa hàng, nhà hàng kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán. Số thuế khoán của năm 2020 được tính dựa trên doanh số kinh doanh tại thời điểm cuối năm 2019 - khi dịch Covid-19 chưa bùng phát. Do đó, các giải pháp tính toán để hỗ trợ như giảm thuế là đặc biệt cần thiết. Theo Khoản 11, Điều 6, Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các trường hợp giảm thuế khoán, đối với những hộ kinh doanh như cửa hàng, nhà hàng… phải tạm dừng kinh doanh do dịch bệnh thì sẽ được giảm thuế khoán, mức giảm tùy thuộc thời gian ngừng kinh doanh cụ thể.

Trước vấn đề này, ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho hay, theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và UBND thành phố Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã yêu cầu các chi cục thuế chủ động tham mưu, báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để đánh giá, phân loại đúng thực trạng, tình hình của các hộ sản xuất kinh doanh; triển khai việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế.

...Dịch Covid-19 còn kéo dài, hậu quả có thể còn nặng nề hơn nữa. Bên cạnh sự tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cũng rất cần sự đồng hành, chung tay của toàn xã hội. Có sự đồng lòng, giai đoạn khó khăn này sẽ qua đi trong sự sẻ chia...