27/01/2025 | 23:50 GMT+7, Hà Nội

Đi tìm những không gian báo chí “rất Hà Nội”

Cập nhật lúc: 20/06/2019, 13:10

Trong khi báo giấy đang ngày một sụt giảm thì tại Hà Nội, vẫn có những không gian rất riêng dành cho những người thích đọc báo giấy miễn phí.

Trong khi báo giấy đang ngày một sụt giảm thì tại Hà Nội, vẫn có những không gian rất riêng dành cho những người thích đọc báo giấy miễn phí. Đó là các bảng tin ở những góc phố hay trước cửa những tòa soạn báo lớn. Đây là một nét văn hóa rất riêng ít thành phố nào có được.

Thú vui “đọc báo đứng”

Nhạc sĩ Phong Nhã – tác giả của những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng như “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Cùng nhau ta đi lên”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”… có nhiều thời gian sống cùng con cháu trong căn hộ tập thể ở đầu phố Hàng Trống. Những khi sức khỏe cho phép, mỗi sáng mỗi chiều ông đều đi bộ ra hồ Gươm. Điểm dừng chân quen thuộc của ông vào mỗi buổi sáng đó là trước cửa trụ sở Báo HàNộimới ở 44 Lê Thái Tổ.

Vỉa hè rộng, nhìn ra hồ Gươm, và hơn thế, ở đây ngay từ quãng 6h sáng đã có báo mới để đọc. Ngày trước, báo được treo, được dán trong hộp lưới mắt cáo. Bây giờ là hộp kính trong suốt, mưa gió không ảnh hưởng, rất thuận tiện để đứng đọc báo. Với nhạc sĩ Phong Nhã, đây là một thói quen. Đến đây, không chỉ được đọc báo, cập nhật tin tức thời sự mà còn là điểm hẹn của ông với một vài người bạn tâm giao…

Nhiều cụ ông giữ thú vui “đọc báo đứng”. Nhiều cụ ông giữ thú vui “đọc báo đứng”.

Không chỉ riêng nhạc sĩ Phong Nhã, nhiều người cao tuổi khác cũng có thói quen tìm đến đây để “cập nhật” tin tức. Ông Nguyễn Văn Thắng sống ở phố Lý Quốc Sư gần đó cho biết, trừ khi ốm đau phải nằm nhà chứ còn ngày nào cũng đến đây đọc báo. “Tôi giữ thói quen này suốt hơn 30 năm nay rồi. Ngày nào ốm mệt hay mưa gió chưa ra “đọc báo đứng” là thấy bồn chồn. Ngày trước, cứ sáng ra là có hàng chục người cùng đứng đọc. Có khi chen nhau, hoặc phải chờ người đến trước đọc xong. Đó là cái thời ở Hà Nội phương tiện thông tin còn hạn chế, không phải ai cũng có thể mua báo đọc”, ông Thắng chia sẻ.

Bây giờ với sự phát triển vượt trội của kỹ thuật điện tử và công nghệ truyền thông, người dân có nhiều “kênh” để tiếp cận tin tức. Đặc biệt, với trên 54% dân số dùng mạng xã hội, nên việc đọc báo giấy đang bị giảm dần. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người giữ cho mình thú vui “đọc báo đứng”. Họ là những trí thức đã nghỉ hưu, công nhân và thậm chí có những người bán hàng rong lựa chọn phút dừng chân để cập nhật tin tức.

Nhiều người qua chốn Nhiều người qua chốn "đọc báo đứng" mà thêm bạn bè, thêm tri kỷ.

Cần thêm những không gian “đọc báo đứng”

Bên cạnh địa điểm “đọc báo đứng” rất thú vị, được nhiều cụ ông cùng tụ lại đọc, bàn luận là bảng tin trước cửa Báo HàNộimới thì dạo một vòng quanh Hà Nội, ta vẫn còn có thể bắt gặp ở một số nơi khác, như bên cổng báo Nhân Dân (phố Hàng Trống), Quân đội nhân dân (phố Phan Đình Phùng) hay các Trạm tin của các phường như Quang Trung, Hàng Bông…

Trước đây, trước cổng tòa soạn báo Lao Động ở 71 phố Hàng Bồ sáng nào cũng có dán tờ báo mới trước cổng để phục vụ người dân sống quanh khu phố cổ. Từ hồi tòa soạn chuyển đi, thói quen “đọc báo đứng” của nhiều cụ ông ở đây đã bị thay đổi, nhiều người phải hẹn nhau xuống tận Hàng Trống hay phố Lê Thái Tổ.

Mặc dù báo chí đã bước vào thời 4.0 với nhiều tiện ích về công nghệ đáp ứng nhu cầu lớp độc giả mới, nhưng những không gian công cộng để đọc báo giấy như ở Hà Nội đã trở thành một sinh hoạt văn hóa khá đặc trưng. Vì thế, khi mất đi một nơi đọc báo như thế là thói quen, thú vui đọc báo của một lớp người bị ảnh hưởng. Nhiều người qua chốn “đọc báo đứng” mà thêm bạn bè, thêm tri kỷ để hàn huyên những câu chuyện tuổi già. Không ít người, con cái mua báo, mang báo giấy về đầy nhà, nhưng vẫn thích mặc đẹp lững thững đi bộ ra chỗ “đọc báo đứng” vừa chống gậy batoong vừa chuyện trò rôm rả.

Không chỉ có người già, bảng tin đọc báo trước cổng trụ sở báo HàNộimới (phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hà Nội) thời gian gần đây còn là địa điểm check in được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Nhà báo Thu Hằng (Báo HàNộimới) cho biết, ngày nào ít nhất cũng phải có vài ba chục nhóm bạn đến đứng cạnh bảng tin chụp ảnh để làm kỷ niệm. Những ngày Chủ nhật, nghỉ lễ số bạn đến chụp ảnh ở đây lên tới hàng trăm. Nhiều bạn đến từ rất sớm, khoảng 5h sáng, nhưng lại có bạn đi chơi lúc đêm muộn, muốn ghi lại khoảnh khác với ánh sáng đêm huyền ảo.

Baodung3

Thùy Linh (22 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Qua mạng xã hội em biết được địa điểm check in này. Em thích bởi cái bảng tin này nó gợi lại một không khí xưa cũ. Giữa thời kỳ nhiều độc giả đọc tin tức trên mạng xã hội và báo điện tử thì những không gian báo chí như thế này mang đến cho giới trẻ chúng em một cảm giác rất lạ. Càng lạ hơn khi em gặp ở đây nhiều người đứng đọc rất chăm chú”…

“Báo đứng” một thời đã được coi như lên đỉnh cao, thú đam mê của không ít người, tuy nhiên giờ đây, với sự hỗ trợ của công nghệ đặc biệt là điện thoại thông minh thì thú vui này của người Tràng An có giảm đi. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn là một bộ phận bạn đọc có nhu cầu và chính thói quen và “sở thích” này đã lưu giữ lại cho Hà Nội một nét riêng, ấy là “đọc báo đứng”. Chính vì thế, bên cạnh việc một số tòa soạn chủ động giới thiệu báo mới của mình trước cửa tòa soạn, thiết nghĩ Thành phố Hà Nội cũng nên cân nhắc lập thêm ở một số công viên, tụ điểm văn hóa nơi tập trung đông người để những không gian báo chí như vậy nhân lên những nét đẹp văn hóa đất Kinh kỳ…

Nguồn: https://congluan.vn/di-tim-nhung-khong-gian-bao-chi-rat-ha-noi-post63534.html