Di dời bến xe Lương Yên: "Không nên chậm trễ"
Cập nhật lúc: 11/06/2016, 05:50
Cập nhật lúc: 11/06/2016, 05:50
Mới đây, sở GTVT Hà Nội đã trình Thành phố phương án để di dời toàn bộ xe khách tại bến xe Lương Yên (trên đường Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhằm giải tỏa ùn tắc, quá tải trên tuyến đường vành đai của thành phố.
Theo đó, bến xe Lương Yên sẽ chấm dứt “sứ mệnh” của một bến xe tạm trong nhiều năm vào cuối tháng 7 tới. Các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên sẽ được di dời về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố hoặc sẽ được điều chuyển toàn bộ sang bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) sau khi bến xe này xây dựng xong.
Dù là 1 trong 6 bến xe cấp 2 ở cửa ngõ Đông Bắc thành phố nhưng Lương Yên có diện tích thấp nhất (khoảng 5.500m2), điều kiện hạ tầng kém nhất trong. Diện tích nhỏ nhưng tần suất khai thác của bến xe Lương Yên hiện tại là 335 lượt xe/ngày, áp lực lớn hơn nhiều so với mức 224 lượt xe/ngày của bến xe Nước Ngầm (diện tích gần 18.000m2) hay bến xe Yên Nghĩa (600 lượt xe/ngày, diện tích 69.800m2).
“Nhếch nhác, tạm bợ” là chia sẻ của hầu hết các hành khách khi đặt chân đến bến xe Lương Yên. Phòng bán vé và nhà chờ có diện tích quá chật hẹp so với công suất khai thác của bến xe. Nội thất bên trong hầu hết đã bị hoen gỉ và xuống cấp. Bên trong khuôn viên bến xe, rất nhiều hạng mục bị bỏ quên, không được đầu tư, cải tạo. Khu vực bên ngoài bãi đỗ cũng không được dọn dẹp thường xuyên, rác thải, cỏ dại mọc um tùm, vương vãi khắp nơi.
Đối chiếu theo khung quy chuẩn dành cho bến xe khách do Bộ GTVT ban hành thì rất nhiều hạng mục của bến xe Lương Yên hoàn toàn không đạt chuẩn. Hình ảnh ghi nhận tại hiện trường của phóng viên cho thấy, nhiều diện tích mặt bằng thậm chí đang bị sử dụng sai mục đích. Nhiều bãi đất trống tại bến xe trở thành bãi đáp của taxi dù, bãi thuê độc quyền của một số hãng xe, bãi bốc dỡ và tập kết hàng hóa của nhiều nhà xe tư nhân.
Theo phản ánh của rất nhiều người tham gia giao thông và cư dân sinh sống quanh khu vực, hoạt động ở bến xe Lương Yên nhiều năm nay đã biến đoạn đường ra vào bến trở thành điểm nóng cả về giao thông lẫn an ninh. Tuyến đường trước cổng ra vào bến xe thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng…
Đó là quan điểm và kiến nghị của Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội. Theo chỉ huy Đội CSGT số 4, từ thực tế công tác quản lý, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, trong đó có bến xe Lương Yên, đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, đề nghị di chuyển bến xe Lương Yên sang vị trí khác thuận tiện hơn cho cả hành khách cũng như người tham gia giao thông. Lý do bởi, bến xe nằm ở ngay đê Nguyễn Khoái, tuyến đường rất chật hẹp.
Trong thời gian qua, để đảm bảo ATGT tại khu vực này, Đội CSGT số 4 đã phải tăng cường thêm CBCS với 3 ca mỗi ngày. Ngoài ra, hỗ trợ cho các ca công tác còn có chốt CSGT ở khu vực cầu Vĩnh Tuy, đầu phố Trần Hưng Đạo... nhằm phân luồng từ xa khi có yêu cầu. Chưa bàn đến hiệu quả của bến xe trong việc vận chuyển hành khách, song việc tồn tại bến xe ở một vị trí không thuận lợi, gây ảnh hưởng đến ATGT, thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, di dời sang vị trí mới” - Thượng tá Lê Văn Hoan kiến nghị.
Đồng quan điểm này, bà Lê Bích Hằng - Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho rằng, việc di chuyển của các xe khách qua tuyến đường Nguyễn Khoái, cổng bến xe thường xuyên gây ùn tắc nhất là trong giờ cao điểm. Bởi mỗi khi xe khách vào bến lại phải quay đầu, choán gần hết phần đường, gây ùn tắc cục bộ.
Hàng trăm lượt xe tham gia vận chuyển hành khách, cộng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường đã ảnh hưởng lớn tới công tác đảm bảo ATGT. Ngoài áp lực giao thông, công tác đảm bảo, giữ gìn ANTT khu vực quanh bến xe Lương Yên hết sức vất vả đối với phường, quận.
Từ khi cầu Vĩnh Tuy đưa vào sử dụng, trục đường Nguyễn Khoái trực tiếp “gánh” lượng lớn xe khách, xe buýt ra vào nội thành, thay vì lộ trình cầu Chương Dương, Thanh Trì như trước kia. Gần đây nhất, tuyến đường vành đai 1 đưa vào sử dụng; cộng thêm áp lực cũ từ 3 cửa khẩu Vân Đồn, Đầm Trấu và Lãng Yên ăn thẳng ra đường Nguyễn Khoái… Những áp lực đã và đang khiến các biện pháp tổ chức giao thông không thể phát huy hiệu quả, nếu vắng bóng lực lượng chức năng.
Hơn nữa Theo quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm được nâng cấp, cải tạo; riêng bến xe Lương Yên không có trong danh sách này.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia giao thông, tuy đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của người dân, nhưng nếu để cân đong đo đếm những hệ lụy, áp lực giao thông mà bến xe này đã và đang tạo ra thì việc di dời bến xe Lương Yên là việc không nên chậm trễ./.
05:50, 11/06/2016
19:26, 10/06/2016
10:31, 10/06/2016
20:00, 09/06/2016
20:17, 01/01/2016
18:35, 29/12/2015
15:52, 11/10/2015