24/01/2025 | 01:22 GMT+7, Hà Nội

Dệt may, da giày \"nhắm\" mốc trên 106 tỷ USD trong năm 2023

Cập nhật lúc: 28/01/2023, 18:22

Trong năm 2022, hai ngành dệt may và da giày vẫn mang về kim ngạch xuất khẩu đạt 71 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.

Chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu năm 2022 đã hoàn thành với tăng trưởng khá, song điều này không bảo đảm rằng, ngành dệt may và da giày sẽ duy trì được sự tăng trưởng trong năm 2023, do đang có rất nhiều yếu tố khách quan tác động xấu đến sự tăng trưởng của ngành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu. Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…

Theo đó, đối chiếu tình hình đơn hàng thực tế, ngành dệt may, da giày dự báo, thị trường xuất khẩu sẽ trầm lắng, ít nhất đến hết quý I/2023.

Năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 - 47 tỷ USD, còn ngành da giày khoảng phấn đấu đạt 27 - 28 tỷ USD.

Mới đây Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giầy cả nước bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,8 - 7,0%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,2 - 7,7%/năm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 ngành năm 2025 đạt 77 - 80 tỷ USD, năm 2030 đạt 106 - 108 tỷ USD.

Theo định hướng chung, ngành dệt may và da giày phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may và da giày Việt Nam.

Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.

Về công nghiệp hỗ trợ, hướng các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu tập trung phát triển ở khu vực có mật độ cao các doanh nghiệp dệt may, da giày tại một số địa phương phía Bắc (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh,...), khu vực miền Trung (Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,...) và phía Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Long An,...), để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Đặc biệt, ngành dệt may và da giày tiếp tục thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành...

Nguồn: https://baodansinh.vn/det-may-da-giay-nham-moc-tren-106-ty-usd-trong-nam-2023-20230126150407.htm