26/04/2024 | 07:58 GMT+7, Hà Nội

Đến vựa rau lớn nhất Hà Nội (2): Thu nhập cao từ mô hình sản xuất rau an toàn tại Văn Đức

Cập nhật lúc: 18/05/2018, 05:44

Việc chuyển đổi từ đất trồng ngô sang đất trồng rau theo hướng an toàn ở xã Văn Đức đang đem lại hiệu quả rõ rệt. Thu nhập kinh tế của các hộ gia đình cũng cao hơn hẳn so với trước.

Quy trình sản xuất rau thật sự an toàn

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Chính vì vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tạo ra các sản phẩm sạch chính là hướng đi bền vững và hiệu quả.

Xuất phát từ thực tiễn trong sản xuất, đến nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người dân, HTX nông nghiệp Văn Đức đã được thành lập, tập hợp các hộ dân trồng rau trên địa bàn xã, xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn.

Khi tham gia vào quá trình sản xuất, cán bộ HTX sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động và chỉ đạo sản xuất, đảm bảo các sản phẩm rau khi được thu hoạch phải đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định về chỉ tiêu thuốc BVTV, phân bón, vi sinh vật, kim loại nặng...

Ông Thắng đang thu hoạch trên vườn rau của gia đình

Ông Thắng, một nông dân tại Văn Đức, đang thu hoạch trên vườn rau của gia đình.

Cùng với đó, cán bộ HTX cũng sẽ hướng dẫn người dân dùng sổ sách ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất trên mỗi thửa ruộng của gia đình mình, phục vụ cho việc theo dõi, giám sát và đảm bảo việc truy nguyên nguồn gốc cho mỗi sản phẩm.

Làm giàu từ cây rau

Mô hình này hiện đang phát huy hiệu quả rất tốt, cả sản lượng lẫn chất lượng đều được nâng cao. Thu nhập kinh tế của các hộ gia đình cũng cao hơn hẳn so với trồng ngô và trồng lúa.

Ông Thắng một gia đình trong mô hình sản xuất rau an toàn cho biết: “Hiện tại gia đình tôi sản xuất 6 loại rau, bao gồm rau ăn lá như cải ngọt, cải canh các loại rau ăn củ quả như cà tím, bầu, bí đến rau gia vị như là ớt. Nếu như giá cả ổn định thì gia đình cũng thu về 2.000.000đồng/ 1 sào.”

Trong quá trình canh tác, bà con hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại chế phẩm hóa học nào để phun tưới lên rau. Thay vào đó, là những chế phẩm sinh học chuyên dụng cho từng loại bệnh và từng loại rau. Nếu hiện tượng bệnh chỉ trên diện tích nhỏ và riêng lẻ trên từng cây, những cây đó sẽ bị loại bỏ mà không sử dụng thuốc.

Cán bộ hợp tác xã đang hướng dẫn kỹ thuật cho hộ gia đình

Cán bộ hợp tác xã đang hướng dẫn kỹ thuật cho hộ gia đình

Cô Phương vợ chú Thắng nói thêm: “Việc nhổ bỏ những cây này là để cho bệnh không lây lan sang những cây khác, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực phẩm lên rau. Khu vực nào bị thì sẽ phun chế phẩm sinh học ở khu vực đó không để tình trạng phun tràn lan trên nhiều loại rau vì mỗi loại đều có thuốc riêng của nó. Dùng không đúng vừa gây lãng phí vừa mất an toàn”.

Trong suốt quá trình sinh trưởng, người trồng chỉ sử dụng chủ yếu là loại phân hữu cơ đã được ủ hoại mục từ trước đó. Ngoài ra còn có những hộ gia đình trồng xen cánh cây đậu sau khi ra quả non sẽ cắt về sau đó xay thành nước dùng nó để bón cho hoa màu.

Sau khi bón phân, đúng thời gian cho phép, người dân mới được thu hoạch rau. Toàn bộ nước tưới rau đều được lấy từ con sông Hồng gần đó, do trên địa bàn không có khu công nghiệp, không khu đô thị, không bệnh viện. Vì vậy rất an toàn không bị nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng.

Một khu sản xuất tập trung của xã Văn Đức

Một khu sản xuất tập trung của xã Văn Đức

Xã Văn Đức là một trong những vùng điển hình, đi đầu trong phong trào phát triển mô hình trồng rau sạch, đưa rau xanh trở thành kinh tế mũi nhọn của nhiều hộ gia đình. Hiện toàn xã hầu hết các hộ dân đều mưu sinh bằng nghề trồng rau, cũng nhờ vậy mà nhiều gia đình đang từng bước vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Có thể nói, mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn đã và đang là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của xã.