18/01/2025 | 19:55 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất mới về kiểm tra chấp hành pháp luật của lực lượng Quản lý thị trường

Cập nhật lúc: 07/05/2019, 13:01

Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

de xuat moi ve kiem tra chap hanh phap luat cua luc luong quan ly thi truong
Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, Quyết định số 20/2008/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường trước đây đã góp phần quan trọng trong việc việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian qua.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện đã nảy sinh bất cập và không còn phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường trong giai đoạn hiện nay, cụ thể: Ngày 10-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương, theo đó Tổng cục Quản lý thị trường được tổ chức theo mô hình ngành dọc, tập trung, thống nhất. Sự thay đổi mô hình tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường dẫn tới thay đổi về mô hình quản lý, công tác chỉ đạo điều hành, tên gọi và địa vị pháp lý của cơ quan Quản lý thị trường các cấp.

Để khắc phục bất cập nêu trên và căn cứ yêu cầu quản lý, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-BCT là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để đảm bảo việc thi hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường trong tình hình mới.

Phạm vi điều chỉnh quy định tại dự thảo Thông tư mở rộng hơn, không chỉ bao gồm kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường mà còn kiểm tra các hoạt động khác trong hoạt động công vụ của Quản lý thị trường.

Về thẩm quyền quyết định kiểm tra, dự thảo nêu rõ: Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường quyết định việc kiểm tra nội bộ đối với cơ quan, công chức theo phân cấp quản lý được giao. Thẩm quyền kiểm tra được mở rộng đối tượng là Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, phạm vi của Cục trưởng mở rộng hơn không chỉ kiểm tra các Đội Quản lý thị trường mà còn bao gồm các đơn vị, công chức trực thuộc (cấp phòng).

Về hình thức kiểm tra, có 3 hình thức bao gồm: Kiểm tra nội bộ định kỳ theo chương trình, kế hoạch; kiểm tra nội bộ bất thường; kiểm tra nội bộ đột xuất trong hoạt động công vụ của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường. Đối chiếu với hình thức kiểm tra quy định tại Quyết định số 20/2008/QĐ-BCT, dự thảo Thông tư đã mở rộng thêm hình thức kiểm tra nội bộ việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính để phù hợp với các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong những năm gần đây.

Về nội dung kiểm tra: Cơ cấu tổ chức của cơ quan Quản lý thị trường được thay đổi, tổ chức theo mô hình ngành dọc, tập trung, thống nhất do vậy nội dung kiểm tra tại dự thảo được mở rộng hơn để phù hợp với cơ cấu tổ chức của cơ quan Quản lý thị trường trong tình hình mới. Theo đó, bổ sung thêm các nội dung kiểm tra như: Kiểm tra hoạt động công vụ của công chức Quản lý thị trường đối với hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường; Kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản tại cơ quan Quản lý thị trường các cấp; Kiểm tra kỷ cương, kỷ luật lao động và việc chấp hành các quy định của pháp luật của công chức Quản lý thị trường.