24/01/2025 | 13:43 GMT+7, Hà Nội

Đề xuất du khách đi, đến Việt Nam phải mua bảo hiểm COVID-19

Cập nhật lúc: 16/01/2021, 13:30

Để chuẩn bị đón khách du lịch khi mở cửa trở lại, cần xem xét chính sách quy định bắt buộc bảo hiểm du lịch y tế có các quyền lợi bảo hiểm Covid-19 với tất cả khách quốc tế (inbound) và người Việt đi du lịch nước ng

Đây là một trong số các giải pháp để chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, được ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), đưa ra tại Diễn đàn lữ hành toàn quốc diễn ra mới đây tại Hải Phòng.

Trước đó, tại văn bản thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ ngày 9/1, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sau Tết Nguyên đán 2021, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, thúc đẩy việc nối lại chuyến bay thương mại thường lệ tới các nước nhằm phục vụ "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch và đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản, thiết yếu của công dân. Các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước được thực hiện trong quý 1/2021.

Mặc dù chưa rõ thời điểm mở cửa đón khách quốc tế bởi các vùng dịch chính hiện nay đều nằm trong số các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam, song nhiều ý kiến cho rằng cần sẵn sàng để có thể khởi động đón khách ngay khi điều kiện cho phép.

Ngoài việc dự báo thị trường, quảng bá xúc tiến, phục hồi ngay việc chính sách miễn phí thị thực nhập cảnh đơn phương cho 22 quốc gia trước đây (đã bị tạm ngừng từ tháng 3/2020), ông Võ Anh Tài cho rằng, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên quốc gia trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch, ngoại giao, giao thông quốc tế để kịp thời có chính sách linh hoạt, kích hoạt nhanh chóng, hỗ trợ phục hồi du lịch trong môi trường và “điều kiện bình thường mới”.

Đáng lưu ý, liên quan đến quyền lợi của khách du lịch trong bối cảnh dịch bệnh, ông Võ Anh Tài cho rằng, cần thiết xem xét chính sách quy định bắt buộc bảo hiểm du lịch y tế có các quyền lợi bảo hiểm Covid-19 đối với tất cả du khách quốc tế và người Việt Nam đi du lịch nước ngoài khi hoạt động trở lại.

Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi, an toàn cho cả du khách, doanh nghiệp du lịch, chính quyền trong tình huống phải hủy, hoãn chuyến du lịch, kiểm tra - điều trị liên quan yếu tố phát sinh dịch bệnh Covid-19 đối với du khách.

Trước đó, đầu tháng 3/2020, một số công ty bảo hiểm đã giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh Covid-19, nhưng sau đó, theo chỉ thị số 16/CT-TTg ban hành ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu dừng thực hiện.

Thực tế, tại một số quốc gia, các chương trình bảo hiểm y tế du lịch liên quan Covid-19 đã được triển khai, giúp chi trả chi phí liên quan đến việc nhập viện, điều trị và chăm sóc y tế, kiểm tra và cung cấp dịch vụ y tế, sơ tán y tế và hồi hương...

Ông Võ Anh Tài cũng kiến nghị, cần nghiên cứu, sửa đổi các điều kiện để hủy đặt chỗ tour du lịch quốc tế và trong nước.

Ông Tài dẫn chứng, Pháp đã cho phép thay thế tiền hoàn lại bằng hình thức voucher hay tương tự, có giá trị tương đương cho một dịch vụ trong tương lai. Khách hàng có thể yêu cầu hoàn tiền sau 18 tháng đối với các voucher chưa sử dụng. Điều này giúp giảm áp lực tranh chấp tài chính, duy trì nhu cầu du lịch giữa khách hàng và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, vào thời điểm tháng 11/2020, châu Á - Thái Bình Dương có tới 59% điểm đến đóng cửa toàn bộ và 9% đóng cửa từng phần (tỷ lệ cao nhất), châu Âu 7% điểm đến đóng cửa toàn bộ và 67% đóng cửa từng phần (tỷ lệ thấp nhất).

Năm 2020, Việt Nam chỉ đón được hơn 3,837 triệu lượt khách quốc tế, giảm gần 79% vo với năm ngoái. Trong đó, hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020. Từ quý II đến nay, nước ta chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Nguồn: https://ngaynay.vn/de-xuat-du-khach-di-den-viet-nam-phai-mua-bao-hiem-covid-19-post102341.html