23/11/2024 | 00:50 GMT+7, Hà Nội

Đề thi môn Vật lý có tính phân loại tốt

Cập nhật lúc: 03/07/2015, 04:01

16 giờ chiều ngày 2/7, thí sinh kết thúc môn thi Vật lý kỳ thi THPT Quốc gia. Theo nhận định của nhiều thí sinh đề có tính phân loại cao, phù hợp với hai mục đích của kỳ thi.

Tại hội đồng thi Đại học Sư phạm Hà Nội, theo quan sát của PV, phần đông các sỹ tử để ra về khi kết thúc thời gian làm bài. Nhiều bạn nhận xét đề thi khá dài nên phải tận dụng hết thời gian làm bài.

Em Nguyễn Thu Dung (Nam Định) nhận xét: Đề gồm 50 câu, trong đó có câu rất dễ, phù hợp với những bạn chỉ định thi tốt nghiệp. Tuy nhiên cũng có những câu rất khó. E nghĩ mình sẽ đạt 7-8 điểm.

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Diệu Linh (THPT Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) nhận xét: Đề thi không đánh đố thí sinh, dù có những câu khá khó. Càng về những câu cuối, mức độ phân loại càng cao và câu khó nhất là phần điện”.

Rời khỏi điểm thi Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), các thí sinh đều nhận xét đề thi chính thức bám sát đề thi minh họa, có tính phân loại rất cao. Với đề thi này thí sinh trung bình dễ dàng đạt điểm 5, còn thí sinh khá gỏi sẽ không khó để đạt điểm 8, 9.

Đánh giá về đề thi, thầy Đào Tuấn Đạt, giảng viên bộ môn Vật lý đại cương (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đề thi có 40% các câu hỏi lý thuyết, 60% là bài tính toán. Phần dao động có 10 câu, phần sóng cơ có 7 câu, phần dòng điện xoay chiều gồm 12 câu, dao động và sóng điện từ có 4 câu, sóng ánh sáng có 6 câu, lượng tử ánh sáng có 5 câu và phần hạt nhân có 6 câu.

Thí sinh sau giờ thi môn Vật lý.

Thí sinh sau giờ thi môn Vật lý.

60% câu hỏi và bài toán rất dễ, chỉ cần áp dụng một phương trình vật lý và chỉ cần qua một vài phép biến đổi toán học đơn giản có thể tìm ra đáp số. Học sinh trung bình có thể dễ dàng được 5-6 điểm. Trong khi 60% các câu hỏi ở mức độ cực kỳ cơ bản thì 40% các câu hỏi còn lại đòi hỏi tư duy khác hẳn. Học sinh phải sử dụng ít nhất 2 phương trình vật lý và các phép biến đổi toán học phức tạp để tìm ra đáp số.

Các câu hỏi khó xuất hiện ở tất cả các chương của chương trình lớp 12 và tập trung nhiều vào chương Dòng diện xoay chiều. Với 40% các câu hỏi thuộc phần nâng cao này học sinh khó lấy được điểm 9-10. Thầy Đạt cho rằng, đề ra như vậy là hợp lý cho cả hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học

Theo Th.s Đào Kim Nguyễn Thụy Nam, Tổ trưởng tổ Vật Lý Trường THPT Nhân Việt, đề thi hay, bám sát yêu cầu cũng như đề thi thử của Bộ GD-ĐT. Thí sinh dễ dàng đạt được 5 - 6 điểm (30 câu cơ bản); còn học sinh khá, giỏi có thể làm được 7-8 điểm. Có khoảng 10 câu khó nằm ở các chương I (dao động cơ), chương II (sóng cơ), chương 3 (dòng điện xoay chiều).

Vì thế, muốn đạt được 9-10 điểm phải có tư duy tốt, kiến thức vững. So với năm ngoái thì đề có tính phân hóa rõ ràng, học sinh nắm được cơ bản sẽ đủ điểm xét tốt nghiệp nhưng để xét điểm vào đại học các em phải nắm vững kiến thức và phải có tư duy tốt.

Một giáo viên khác thì nhận xét: Đề thi có 1 câu thực nghiệm được mô tả bằng hình vẽ, yêu cầu học sinh vừa có kiến thức chắc, đồng thời phải có kỹ năng phân tích tốt đồ thị. Đề thi cũng có liên hệ tới các vấn đề thực tiễn như câu về điện dân dụng, biển đảo Trường Sa.

Sáng mai, 3/7/2015, các thí sinh dự thi môn Địa lý với thời gian 180 phút (từ 8h đến 11h)./.