19/01/2025 | 21:17 GMT+7, Hà Nội

Để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu thế giới

Cập nhật lúc: 22/09/2022, 13:42

Chuyển đổi số được xem như một giải pháp để giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững. Đây là xu hướng tất yếu giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh sau Covid-19...

Nhiều nỗ lực phục hồi ngành du lịch

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch thế giới hứng chịu thiệt hại nặng nề, ước tính gần 2.000 tỷ USD. Không ngoại lệ, du lịch Việt Nam cũng đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách, công suất sử dụng phòng khách sạn, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hàng không, vận chuyển và người lao động trong toàn ngành. Đóng góp của du lịch với phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia trên thế giới cũng đều bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, để sớm phục hồi, phát triển trở lại ngành du lịch, ngày 11/10/2021, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, nhờ đó, hoạt động du lịch nội địa được khởi động trở lại ở một số địa phương cùng với việc phát động chương trình “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” do Bộ VHTTDL khởi xướng. Ngày 20/11/2021, Việt Nam cũng đã thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế và mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022".

Từ khi đại dịch được kiểm soát, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách quan trọng khác hỗ trợ phục hồi ngành du lịch, như cho doanh nghiệp du lịch vay với lãi suất thấp, giảm thuế VAT với dịch vụ du lịch; giảm tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế; trợ cấp tiền cho lao động ngành du lịch; giảm thuế và phí để giảm giá xăng, dầu trong nước; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo lại lao động sau đại dịch…

Với mục tiêu tiếp tục khôi phục đà tăng trưởng như trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt mang tính đột phá.
Với mục tiêu tiếp tục khôi phục đà tăng trưởng như trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt mang tính đột phá.

Với những nỗ lực bao phủ vaccine toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho mỗi người dân đã giúp cho guồng quay cuộc sống trong những ngày bình thường mới từng bước đi vào hoạt động ổn định và nhịp nhàng. Tính mạng con người được an toàn, kinh tế được đảm bảo vững chắc đã góp phần thúc đẩy nhu cầu đi du lịch trở lại.

Từ đó, ngành du lịch đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng như: lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 - Quảng Nam dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính diễn ra vào cuối tháng 3; sau đó là các hoạt động liên kết phát triển du lịch của TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết hợp tác giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, liên kết hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên tại Kon Tum, Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022...

Theo các chuyên gia, bàn về sự đột phá của ngành du lịch Việt Nam rõ nét nhất là sự lột xác của mỗi địa phương, mà trong đó Quảng Ninh là một điển hình. Từ bức tranh du lịch buồn tẻ, đơn điệu những năm đầu 2000, Quảng Ninh đã vươn lên như một trong những điểm đến ấn tượng nhất Việt Nam, thu hút tới 1/3 tổng lượng khách quốc tế của cả nước (giai đoạn trước dịch). Kinh tế Quảng Ninh từ đó nổi lên như một ngôi sao sáng với mức tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 6.700 USD - gấp đôi mức trung bình cả nước.

Hay với Sa Pa (tỉnh Lào Cai) hơn 10 năm trước, cảnh thiên nhiên hoang sơ chỉ giúp thị trấn này đón vài trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Nhưng chỉ 3 năm sau khi công trình cáp treo Fansipan kỷ lục, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend cùng công trình khách sạn 5 sao Hotel de la Coupole MGallery Sa Pa ra đời, thị trấn sương mù đã thay đổi chóng mặt. Giai đoạn năm 2016 - 2019, lượng khách tới Lào Cai tăng 144%. Cuối 2019, doanh thu từ du lịch của tỉnh là 19.200 tỉ đồng, gấp 4 lần năm 2016. Riêng du lịch Sa Pa tăng trưởng bình quân 20 - 30% mỗi năm.

Bằng những quyết sách mang tầm nhìn chiến lược xa rộng, phù hợp với thời đại, ngành du lịch Việt Nam vươn mình mạnh mẽ như Thánh Gióng. Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới WTA tổ chức tại TP.HCM vừa qua, Việt Nam đã được trao 46 giải thưởng khác nhau, thể hiện sự hấp dẫn, uy tín của ngành du lịch nói chung và các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam nói riêng trên phạm vi thế giới.

“Trong bối cảnh và xu hướng chung phục hồi du lịch khu vực và trên thế giới, với mục tiêu tiếp tục khôi phục đà tăng trưởng như trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam rất cần có những chính sách, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới,” Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Hướng tới chuyển đổi số ngành du lịch

Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, chủ đề chuyển đổi số ngành du lịch trở thành một vấn đề cấp thiết và được quan tâm hơn bao giờ hết như một giải pháp thúc đẩy ngành du lịch vượt qua hậu quả do dịch bệnh. Chuyển đổi số đang được xem như một giải pháp để giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững. Đây là một xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ tạo nên những ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động kinh doanh sau Covid-19 cũng như tạo nên sự khác biệt cho tương lai ngành du lịch Việt Nam.

Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QÐ-TTg phê duyệt "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025". Trên thực tế, chuyển đổi số trong ngành du lịch có thể hiểu là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.

Trong khi đó, mô hình kinh doanh du lịch hiện đại và các kênh đại lý du lịch trực tuyến ngày càng phổ biến, như sự bùng nổ của các ứng dụng Booking, Agoda, Expedia, Traveloka, Klook...

Ngoài việc ứng dụng công nghệ vào việc kinh doanh tour du lịch, chuyển đổi số còn phải chuyển đổi cả trong các thủ tục hành chính như nhập cảnh, đăng ký thị thực hay quan trọng hơn hiện nay là phát triển các ứng dụng "sức khỏe số", để giảm bớt thủ tục y tế, xét nghiệm đồng thời giúp nước sở tại có thể dễ dàng quản lý, đảm bảo sức khỏe của khách du lịch.

Với góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, chuyển đổi số được nhìn nhận là quá trình chuyển dịch, hình thành nền tảng, môi trường kết nối, giao dịch, tương tác giữa các chủ thể trong ngành du lịch bằng công cụ, ứng dụng, dữ liệu số.

Công nghệ là một trong những chìa khóa giúp giải các "bài toán" kinh doanh và du lịch là một trong số những bài toán đó. Vì vậy, chuyển đổi số ngành du lịch được đánh giá là vô cùng cần thiết. Với tính năng vượt trội của công nghệ số mà những giao dịch, tương tác trong ngành du lịch có thể trở nên hiệu quả hơn và có thể tạo ra những bứt phá mới trong hoạt động du lịch.

Nhận xét về nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc trong một thập niên qua cũng như hành trình hồi phục thần kỳ của ngành du lịch Việt Nam sau đại dịch, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Giải thưởng WTA Graham Cooke nhấn mạnh: “Du lịch Việt Nam cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ, phát huy được những giá trị tài nguyên, bản sắc của mình và có những điểm sáng mang tính đột phá. Nếu xác định một yếu tố đằng sau sự thành công của du lịch Việt Nam sau một thập niên qua, thì đó là cách mà Chính phủ Việt Nam đã hợp tác rất tốt với khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc”.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/de-du-lich-viet-nam-tro-thanh-diem-den-hang-dau-the-gioi-71416.html