19/01/2025 | 07:22 GMT+7, Hà Nội

ĐBQH Trần Anh Tuấn: Liên kết hình thành những tập đoàn kinh tế mang tính dẫn dắt

Cập nhật lúc: 09/12/2019, 15:32

"Chiếm số lượng nhỏ nhưng dự báo các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và ngày càng đóng một vai trò tích cực hơn nữa trong sự phát triển", Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn cho biết.

“Sếu đầu đàn” giữ vai trò dẫn dắt

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (ảnh), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM khẳng định: Trong thực tiễn, kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng đóng góp lớn cho tăng trưởng, phát triển chung của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN vượt trội so với các khu vực khác. Xét về sự chuyển dịch cơ cấu trong 3 khu vực tư nhân, nhà nước và đầu tư nước ngoài thì khu vực KTTN đang có sự chuyển động lớn, dịch chuyển mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM

Ngoài ra, nhìn vào các chỉ tiêu khác về đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm, chúng ta đều thấy rằng KTTN năng động hơn. Ví dụ, một dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn tư nhân thì triển khai rất nhanh trong khi nếu sử dụng nguồn lực công thì chậm, ì ạch.

Như vậy, khi chúng ta khuyến khích phát triển khu vực KTTN thì nền kinh tế tự nhiên năng động lên, mạnh lên. Nguồn lực của KTTN đóng góp vào tăng trưởng ngày càng nhanh chóng, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của xã hội, làm cho đời sống xã hội nói chung ngày càng tốt hơn. Từ đó có thể khẳng định vai trò ngày càng lớn, càng quan trọng trong nền kinh tế của khu vực KTTN.

Nếu trước đây các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được kỳ vọng là “quả đấm thép” của nền kinh tế thì hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế lớn được xem là “đòn bẩy” quan trọng của nền kinh tế. Điển hình như sự đầu tư của các Tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC,… đã đưa Quảng Ninh bứt phá thần tốc về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng du lịch. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của các “sếu đầu đàn” trong phát triển kinh tế, thưa ông?

- Trong khu vực KTTN, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa chiếm đa số, tới hơn 95% trong khi doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế chỉ giữ tỷ lệ rất nhỏ, 2%. Tuy nhiên, sự thể hiện vai trò của “số nhỏ” này rất đáng kể, cho thấy tính năng động rất lớn và sự đóng góp ngày càng lớn trong phát triển kinh tế chung của cả nước.

Dự báo trong thời gian tới, khu vực các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và ngày càng đóng một vai trò tích cực hơn nữa trong sự phát triển.

Sân bay quốc tế Vân Đồn - kỳ tích của KTTN trong lĩnh vực khó như hạ tầng hàng không 

Một trong những giải pháp phát triển được Chính phủ, Quốc hội thống nhất là nhanh chóng thành lập những Tập đoàn tư nhân lớn để đảm bảo khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, như ông nói nghịch lý là số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn hiện rất ít có khả năng cạnh tranh quốc tế. Số doanh nghiệp tạo nên những thương hiệu Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nhà nước làm thế nào thúc đẩy phát triển nhanh khu vực này?

- Một tập đoàn kinh tế lớn cũng phải đi từ giai đoạn là doanh nghiệp nhỏ, tích lũy đi lên. Trong bối cảnh hội nhập, có tính liên kết cao trong sản xuất, để hình thành nên những tập đoàn lớn, trước mắt vẫn phải phát huy Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục xây dựng các nghị định để triển khai luật cho tốt nhằm hỗ trợ, thúc đẩy giúp nhiều doanh nghiệp bứt phá mạnh lên.

Trong lúc này, vai trò của các tập đoàn là “sếu đầu đàn” cần phát huy. Các doanh nghiệp phải có sự liên kết hình thành các chuỗi sản xuất. Từ đó, chính các tập đoàn sẽ kéo những doanh nghiệp đồng hành lớn nhanh hơn. Sự liên kết đó sẽ dần hình thành những tập đoàn lớn, trong đó sẽ có những doanh nghiệp hạt nhân, giữ vị trí dẫn dắt, dẫn đầu.

Một số tập đoàn tư nhân hiện tại, như bạn nói, đang phát triển khá tốt như thế. Cơ hội là Việt Nam hiện đã ký kết hơn 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), phải tận dụng được thì doanh nghiệp trong nước sẽ lớn mạnh, bứt phá.

Hướng tới môi trường bình đẳng

Trong thực tế, có không ít doanh nghiệp tư nhân cho rằng chưa cần bàn đến những chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác biệt gì, chỉ cần một môi trường bình đẳng, đối xử bình đẳng với các khu vực kinh tế khác là đã tốt cho cộng đồng doanh nghiệp rồi. Ông nghĩ sao về ý kiến này? Phải chăng vẫn có sự kỳ thị trong tư tưởng đối với KTTN?

- Phải đánh giá một cách khách quan là có rất nhiều vướng mắc các phía cùng phải tích cực tháo gỡ. Doanh nghiệp thì luôn than thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu công nghệ… nhưng một tổ chức tín dụng muốn cho vay thì cũng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, đảm bảo mà thường một doanh nghiệp tư, nhất là doanh nghiệp nhỏ, sao đã hình thành được tài sản mà thế chấp. Vậy là chỗ này đã vướng ngay một quy định trong hoạt động tín dụng, ngân hàng sao dám cho vay như vậy. Thực tiễn chúng ta phải giải những bài toán mâu thuẫn như vậy.

Tới đây, những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ có những kiến nghị tháo gỡ về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, tạo môi trường thông thoáng hơn, chẳng hạn như có chính sách để doanh nghiệp có thể thế chấp, đảm bảo cho khoản vay bằng tài sản hình thành trong tương lai. Còn bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng nắm bắt thị trường, cơ hội, phải có chiến lược… thì mới có chỗ đứng trên thị trường và phát triển tốt được. Không ai thay doanh nghiệp làm được việc đó.

Cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng hơn cho KTTN. Ảnh: Internet

Nỗ lực nội tại thì chắc chắn doanh nghiệp tư nhân nào cũng đều phải ý thức. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích, Nhà nước vẫn ưu ái dành các nguồn lực cho các doanh nghiệp của Nhà nước hơn là cho khối doanh nghiệp tư nhân? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Số ít thôi, không phải tất cả. Môi trường chung sẽ là bình đẳng, trừ những trường hợp DNNN phải thực hiện nhiệm vụ mang tính chính trị thì nhà nước sẽ có những cách để hỗ trợ đối với những nhiệm vụ đó, còn những nhiệm vụ kinh doanh khác đều bình đẳng, không có việc ưu ái doanh nghiệp nào, thành phần kinh tế nào đâu.

Cái khó của DNNN hiện nay là chưa tách bạch rõ được chức năng thực hiện việc quản lý kinh doanh thuần túy theo cơ chế thị trường và nhiệm vụ chính trị dẫn dắt thị trường, khám phá thị trường, tiên phong trong thị trường.

Ông nói DNNN cần đóng vai trò dẫn dắt thị trường, khơi mở thị trường khó… nhưng thực ra hầu hết những dấu ấn tạo được của Việt Nam giai đoạn vừa qua đều mang tên tuổi của doanh nghiệp tư nhân đó chứ? Và cũng phải nhắc lại câu chuyện ở Quảng Ninh, doanh nghiệp tư nhân đã đảm nhiệm tất cả các công trình hạ tầng động lực?

- Thì tôi vẫn nói rằng doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển. Và điều đó cũng giúp khẳng định về quan điểm bình đẳng, không phải tất cả mọi vấn đề Nhà nước đều ưu ái cho DNNN đâu (cười)…

Xin cảm ơn ông!