29/03/2024 | 15:45 GMT+7, Hà Nội

Đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa để thích ứng với tình hình mới

Cập nhật lúc: 28/10/2021, 20:06

"Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện các biện pháp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa để thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Chiều 27/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019 - 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát triển đối tượng tham gia BHYT, vượt mục tiêu đề ra

Về phát triển các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Long cho biết, đến thời điểm năm 2020 đã đạt 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt so với Nghị quyết 68 của Quốc hội.

“Tuy nhiên, cũng có một số các vấn đề chúng ta cần hết sức quan tâm tới đây, làm thế nào để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, đặc biệt đảm bảo tính bền vững của bảo hiểm y tế là một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra cho hệ thống y tế cũng như là hệ thống bảo hiểm xã hội”, ông Long nói.

Trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc tham gia bảo hiểm y tế đã giảm xuống, hiện giảm 2,6 triệu so với năm 2020. Cho nên, tới đây làm sao phải tiếp tục mở rộng cho bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Về y tế cơ sở, Bộ trưởng Y tế cho biết: "Thời gian qua được đánh giá là nền tảng, là bệ đỡ cho vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân, đóng vai trò quan trọng cho vấn đề về phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc đầu tư của chúng ta cho đến thời điểm hiện nay mặc dù đã quan tâm nhưng chưa được như mong muốn. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới hệ thống y tế cơ sở trên các lĩnh vực, đó là vấn đề về tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; Đổi mới về nhân lực cho y tế cơ sở. Đảm bảo những đổi mới về cơ chế tài chính, đặc biệt là vấn đề về hoạt động đối với y tế cơ sở để làm sao trong tương lai y tế cơ sở tiếp tục phát triển, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn nơi sinh sống".

Vấn đề thứ ba là về khám bệnh, chữa bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, theo ông Long, thời gian qua, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, triển khai rất nhiều biện pháp, vấn đề về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Theo đánh giá chung thì hiện nay các điểm số của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh đã được nâng lên.

Tuy nhiên, tới đây vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vấn đề về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là vấn đề về đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, về nhân lực, về trang thiết bị cũng như việc triển khai mạnh hơn nữa những đề án mà Chính phủ đã triển khai thời gian qua, như là Đề án Khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, vừa qua, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai Đề án Khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho hơn 1.500 cơ sở y tế trên toàn quốc và tất cả trung tâm y tế của tuyến huyện đã được nối kết với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trung ương để tăng cường hỗ trợ của trung ương đối với địa phương.

Tới đây, đổi mới phương thức thanh toán BHYT 

Vấn đề tiếp theo là thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Có thể nói rằng, về cơ bản hiện nay, các cơ quan bảo hiểm xã hội cũng như y tế đã thực hiện việc tạm ứng thanh quyết toán về chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, ông Long thừa nhận, thực tế thời gian qua đã nảy sinh một số vấn đề về chậm thanh toán. “Nên thời gian qua, Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội đã phối hợp và trong năm 2021, chúng tôi không giao dự toán tổng, gọi là trần thanh toán cho các cơ sở y tế nữa mà trên cơ sở thực thanh, thực chi, như đại biểu ở tại Thành phố Chí Minh đã có ý kiến”, ông cho biết.

Ông Long khẳng định, tới đây tiếp tục đổi mới phương thức về việc thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đó là thanh toán theo định suất và thanh toán theo ca bệnh tương đương (tức là DRG).

“Tôi báo cáo với Quốc hội, mặc dù đã quy định và trong thời gian qua Bộ Y tế đã ban hành các thông tư hướng dẫn cho việc này, tuy nhiên, do tình hình COVID nên chúng tôi chưa triển khai được. Tới đây, chúng tôi tiếp tục triển khai vấn đề này”, Bộ trưởng Y tế thông tin.

Về thu, chi và Quỹ Bảo hiểm y tế, ông Long cho hay, năm 2020, số thu trừ đi số chi dư được 32.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết đã có những bất cập do mức đóng bảo hiểm y tế còn ở mức độ rất giới hạn, chỉ khoảng 40 USD.

“Hiện, ngân sách nhà nước chiếm tới 59% các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhưng số kinh phí từ số này chỉ khoảng 37%. Mức đóng hiện nay không thay đổi qua nhiều năm nhưng dịch vụ y tế và đặc biệt dịch vụ y tế kỹ thuật cao đã đưa vào trong thanh toán nên việc đảm bảo cân đối nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới”, ông Long nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, tới đây, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách về tăng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế.

Nguồn: https://baodansinh.vn/day-manh-kham-chua-benh-tu-xa-de-thich-ung-voi-tinh-hinh-moi-20211027221135.htm