18/01/2025 | 19:05 GMT+7, Hà Nội

Đầu tư - Xuất khẩu - Tiêu dùng sẽ giúp Việt Nam vượt đại dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 05/02/2021, 14:21

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn. Vì thế để đảm bảo các chỉ số như mục tiêu đề ra trong năm 2021 thì phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầ

Lạm phát sẽ gia tăng

Đó là những nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và dự báo tình hình, kịch bản điều hành 6 tháng đầu năm 2021.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc với 08 điểm sáng.

Đó là, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 01/2021, tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng.

Tuy vậy, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 cũng có 6 điểm cần lưu ý. Đó là, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả trong nước và thế giới. Việc phổ biến vắc-xin chậm hơn dự kiến do sự thiếu hụt về nguồn cung. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12/2020.

Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020. Dù vậy, dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến giá cả, phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, không để lạm phát tăng cao.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao phản ánh ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh. Cùng với đó, dịch bệnh tiếp tục là trở ngại lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tính đến ngày 20/01/2021, tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần giảm 58,7%... 

Về kịch bản tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm.

Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý khi tăng trưởng cả năm ước đạt 5,84%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ (6,5%).

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II/2021 cần đạt mục tiêu tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV. Theo đó, quý III tăng 6,73% và quý IV tăng 7,04%...

cac-nganh-kinh-te

Tiếp tục lấy cỗ xe tam mã để vượt dịch Covid-19 

Trước thực trạng này và để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung phòng chống và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đàm phán để sớm triển khai vắc-xin; xây dựng phương án phân phối vắc-xin theo hướng ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư.

Về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thì phải đặc biệt chú trọng các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế và tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động.

Cùng với đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Đặc biệt, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp và đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Về các giải pháp tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh Covid-19 cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới.

Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ…

"Do vậy, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta; tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nguồn: https://congluan.vn/co-xe-tam-ma-dau-tu-xuat-khau-tieu-dung-se-giup-viet-nam-vuot-dai-dich-covid-19-post117472.html