19/01/2025 | 12:05 GMT+7, Hà Nội

Dấu ấn Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XV: Những quyết nghị quan trọng với TT BĐS

Cập nhật lúc: 03/12/2024, 12:18

Kỳ họp thứ 8 đã khép lại sau gần 30 ngày làm việc, để lại những dấu ấn tốt đẹp trên thị trường bất động sản, khi nhiều Nghị quyết, dự án Luật liên quan đã được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về thị trường bất động sản

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ "…thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn…". Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp. Trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Trên tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế; trên cơ sở xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó, có các nghị quyết, luật liên quan đến thị trường bất động sản.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Phiên khai mạc, ngày 21/10. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đầu tiên, Quốc hội thông qua Nghị quyết về "Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội", ngày 23/11. Đây là dấu ấn rất quan trọng đối với thị trường bất động sản.

Nghị quyết được ban hành kịp thời trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức như mất cân đối cung cầu, giá cả tăng cao và thiếu hụt nhà ở xã hội; thể hiện sự quan tâm và cam kết của Nhà nước trong việc ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.

Nội dung Nghị quyết đề cập đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, phát triển thị trường bất động sản. Như hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tăng cường quản lý và giám sát thị trường, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp.

Trước hết, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Đấu thầu 2023. Nhằm nhanh chóng tạo hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ, thuận lợi, ổn định, khả thi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Chú trọng công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác liên quan, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất đai, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh việc đưa ra phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ; bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Nhưng trên hết là vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, là bãi bỏ quy định không cần thiết, trùng lặp, không hợp lý, quy định rõ ràng về quy trình thủ tục triển khai dự án bất động sản.

Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết sẽ góp phần ổn định thị trường bất động sản, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, tăng cường minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Đồng thời, kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy phát triển dự án, đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về "Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội". (Ảnh minh họa)

Kỳ họp thứ 8 cũng thảo luận và thông qua 2 Nghị quyết quan trọng trong việc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án, nâng cao nguồn cung nhà ở cho thị trường bất động sản.

Cụ thể, trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, ngày 30/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4/2025 và được triển khai trong 5 năm.

Nghị quyết này nhằm tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại, bổ sung thêm phương thức tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và công bằng giữa các địa phương trong việc triển khai dự án nhà ở thương mại. Việc thí điểm cũng thể hiện sự linh hoạt trong quản lý và sử dụng đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân.

Cũng trong phiên bế mạc, Quốc hội họp riêng và biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Việc ban hành Nghị quyết này sẽ đưa ra cơ chế xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến dự án và đất đai tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Từ đó, kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, giải quyết các vướng mắc pháp lý để đưa các dự án và quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Thông qua nhiều luật liên quan, kỳ vọng tạo ra những động lực phát triển mới cho thị trường

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Ngày 26/11, Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Luật gồm 5 chương và 59 điều, quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh; tổ chức quản lý và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Việc thông qua Luật này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, hướng tới phát triển đô thị và nông thôn bền vững, hiện đại và phù hợp với xu thế phát triển chung.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Luật Đầu tư công (sửa đổi)

Ngày 28/11, Quốc hội khóa XV tiếp tục thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với những điểm mới quan trọng, tác động đến lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, Luật mới phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án. Tạo điều kiện để các địa phương, bộ, ngành được tự chủ hơn trong việc lập kế hoạch, thẩm định và triển khai dự án, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung ương.

Luật cũng quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quy trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án được tinh giản, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, giúp giảm thời gian và chi phí cho các bên liên quan.

Đáng chú ý, theo Luật mới, cấp có thẩm quyền khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C có quyền quyết định việc tách hoặc không tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án thành phần độc lập. Việc cho phép triển khai các hoạt động này trước khi thực hiện dự án chính sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giảm thiểu tình trạng chậm trễ do vướng mắc trong GPMB lâu nay.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung này được Quốc hội thông qua ngày 29/11, với những điểm mới có tác động đến lĩnh vực bất động sản; kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện các luật hiện hành, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trước hết, nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, Luật bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn.

Chính phủ cũng sẽ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác. Qua đó, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

Liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật bổ sung quy định về việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhằm đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Luật cũng bổ sung các lĩnh vực mới được phép đầu tư theo phương thức PPP, tạo điều kiện cho các dự án bất động sản có thể huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đặc biệt trong các dự án hạ tầng và dịch vụ công cộng.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025, trừ một số trường hợp được nêu rõ trong Điều 5 của Luật này.

Thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương

Năm 2004, lần đầu tiên ý tưởng về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được nêu ra trong các cuộc thảo luận về chiến lược phát triển hạ tầng giao thông quốc gia. Tháng 6/2010, Dự án trình lên Quốc hội nhưng chưa được thông qua vì lo ngại về nguồn vốn lớn và tính khả thi.

Sau hành trình tái khởi động nghiên cứu, việc Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ngày 30/11, đã trở thành dấu ấn quan trọng của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV lần này; trở thành quyết định mang tính thời đại và mang tầm vóc to lớn cả về quy mô tài chính, cơ chế, chính sách.

Dự án nhằm mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, kết nối hiệu quả các hành lang kinh tế và các nước trong khu vực, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Việc Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dấu ấn quan trọng của Kỳ họp thứ 8. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Dự án có chiều dài tuyến khoảng 1.541km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 67 tỷ USD.

Dự án sẽ đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế và lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong giai đoạn 2025 - 2026; Khởi công xây dựng vào năm 2027; Dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2035.

Khi hoàn thành, tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ giảm thời gian di chuyển giữa Hà Nội và TP.HCM từ 30 giờ xuống còn 5 giờ, góp phần quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Thị trường bất động sản dọc theo tuyến đường sắt cũng kỳ vọng có những thay đổi.

Cũng trong ngày 30/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; quyết nghị thành lập TP. Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cơ hội thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị, dự án bất động sản theo đó cũng sẽ gia tăng.

Sau việc thông qua những Nghị quyết quan trọng, cùng với các dự án Luật sửa đổi, bổ sung liên quan, thị trường rất kỳ vọng bộ, ngành, chính quyền các cấp sẽ có những chuyển động, đổi mới, để đưa những quyết sách quan trọng vừa được Quốc hội thông qua vào cuộc sống. Từ đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có thị trường bất động sản.

Nguồn: https://reatimes.vn/dau-an-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-nhung-quyet-nghi-quan-trong-doi-voi-thi-truong-bat-dong-san-202241202111505915.htm