22/11/2024 | 17:37 GMT+7, Hà Nội

Đáp ứng đủ nhu cầu điện cho năm 2022?

Cập nhật lúc: 02/12/2021, 06:15

Trong phương án tính toán sản lượng điện cho năm 2022, Bộ Công Thương cho biết hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện.

Thông tin từ EVN cho biết, lũy kế 10 tháng vừa qua, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 213 tỉ kWh, tăng trưởng 3,3% so với năm 2020, song vẫn thấp hơn 5,7 tỉ kWh so với kế hoạch năm (218,7 tỉ kWh).

Về cơ cấu nguồn, tính đến hết tháng 10, cơ cấu nguồn điện trong hệ thống điện Việt Nam gồm: 32% nhiệt điện than, 27% năng lượng tái tạo, 29% thủy điện, 9% nhiệt điện khí, 2% nhiệt điện dầu, 1% nhập khẩu.

Nhà máy thủy điện Sơn La. (Ảnh minh họa)
Nhà máy thủy điện Sơn La. (Ảnh minh họa)

EVN cho biết, căn cứ theo dự báo phát triển kinh tế xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, đơn vị này đã tính toán xây dựng 2 kịch bản cung cấp điện.

Theo đó, kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện 8,2% tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỉ kWh và kịch bản cao tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện đạt 286,1 tỉ kWh.

Bộ Công Thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3.164 MW, bao gồm 1.930 MW nhiệt điện, 1.244 MW thủy điện (trong đó 1.132 MW thủy điện nhỏ).

Về cơ bản năm 2022, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như mức nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc bị thiếu hụt. Cụ thể, tính đến tháng 10/2021, khu vực các hồ Lai Châu, hồ Sơn La và Hòa Bình, thiếu hụt khoảng 41% so với trung bình nhiều năm, tần suất 84-98%.

Ước tính đến 31/12/2021, tổng lượng nước tính trong hồ trên hồ thủy điện là 14,3 tỉ kWh, hụt 738 triệu kWh. Mực nước các hồ như Hòa Bình có thể hụt 4,5 m, Thác Bà hụt 2,87 m, Nậm Chiến 1 hụt 23,8 m, Bắc Hà hụt 13,1 m, Cửa Đạt hụt 6,7 m…

Thực tế, tổng sản lượng thủy điện lũy kế 10 tháng vừa qua theo nước về đạt 62,5 tỉ kWh, thấp hơn 1,7 tỉ kWh so với kế hoạch năm.

Để từng bước phục hồi nền kinh tế, năng lượng có vai trò qua trọng, trong đó sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yếu tố là giải pháp quan trọng. EVN cũng cho biết, hệ số đàn hồi điện năm 2019 của Việt Nam đạt 1,29 nhưng vẫn ở mức cao hơn so với các nước phát triển.

Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỉ kWh, tương đương 2.700 tỉ đồng.

Với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỉ đồng.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/dap-ung-du-nhu-cau-dien-cho-nam-2022-61544.html