23/11/2024 | 00:41 GMT+7, Hà Nội

Đạp nhầm chân ga mất triệu USD: VNA phải bồi thường thiệt hại

Cập nhật lúc: 01/09/2015, 14:58

Lái xe đạp nhầm chân ga đã bị Cảng vụ hàng không miền Nam tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thiết bị mặt đất trong 24 tháng. Với mức độ thiệt hại ước tính khá lớn trong vụ việc này, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) được xác định phải bồi thường thiệt hại.

Như đã đưa tin, khoảng 10h40’ ngày 27/8/2015, tại bến đậu tàu bay số 18, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Trương Văn Toản điều khiển xe băng chuyền mang biển số SGN 21005 để đưa hành lý lên máy bay (thuộc Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất - TIAGS), đã va quẹt vào phần dưới bụng hầm hàng số 05 tàu bay A330/BI8312 của Hãng hàng không China Airlines (CI) chuẩn bị cất cánh

Việc va chạm này gây xước bụng tàu bay kích thước dài 1.3m, rộng 0.6m, chỗ sâu nhất 02cm và 03 rivê nối tấm kim loại ở bụng tàu bay bị bung.

Va chạm không gây thiệt hại về người song gây hư hỏng máy bay khiến chuyến bay bị hủy.

Ngay sau khi xảy ra xự việc, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã có mặt tại hiện trường để đánh giá giải quyết vụ việc.

Sau khi xem xét đánh giá sự việc Cảng vụ Hàng không Việt Nam kết luận: Nguyên nhân xảy ra sự cố nêu trên là hoàn toàn do lỗi cá nhân của ông Trương Văn Toản đã điều khiển xe băng chuyền SGN 21005 tiếp cận tàu bay lần thứ 2 không tuân thủ đúng theo quy trình xe băng chuyền tiếp cận tàu bay.

Cụ thể, ông Trương Văn Toản đã làm tắt các bước để tiếp cận vào tàu bay trước khi ông Nguyễn Công Bằng vào vị trí đánh tín hiệu tiếp cận (có yêu cầu ông Bằng về vị trí đánh tín hiệu);

Sau khi thả phanh tay, ông Trương Văn Toản đã đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng (chân phanh) do bất cẩn làm cho xe băng chuyền SGN 21005 chồm lên chui qua bụng tàu bay, góc phải mui chắn mưa của xe băng chuyền va chạm phần dưới bụng hầm hàng 05 tạo nên vết va chạm như mô tả ở trên.

Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, trong khi làm việc với các cơ quan, đơn vị chức năng, ông Trương Văn Toản đã trung thực khai báo và tường trình sự việc một cách rõ ràng. Qua xem xét ông Toản có nhân thân rõ ràng, được đào tạo đầy đủ, các chứng chỉ/giấy phép (còn thời hạn).

 Người điều khiển xe băng chuyền đã va quẹt vào phần dưới bụng hầm hàng tàu bay A330/BI8312 Hãng hàng không China Airlines, bị tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thiết bị mặt đất trong 24 tháng. Ảnh minh họa.

Người điều khiển xe băng chuyền đã va quẹt vào phần dưới bụng hầm hàng tàu bay A330/BI8312 Hãng hàng không China Airlines, bị tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thiết bị mặt đất trong 24 tháng. Ảnh minh họa.

Trong ngày xảy ra sự cố, ông Toản sức khỏe bình thường, không bị áp lực công việc, không có nồng độ cồn trong hơi thở.

Sau khi đánh giá xem xét vụ việc ngày 29/8, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng đối với ông Trương Văn Toản vì đã thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình thực hiện công việc, quy trình phối hợp  hoạt động theo quy định, gây mất an toàn hàng không nghiêm trọng.

Ông Trương Văn Toản bị áp dụng hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thiết bị mặt đất trong 24 tháng kể từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành (29/8/2015).

Theo ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trong vụ việc trên người gây thiệt hại là lái xe Trương Văn Toản và đơn vị quản lý lái xe là TIAGS, còn người bị hại là China Airlines.

Về nguyên tắc, TIAGS sẽ phải bỏ tiền ra bồi thường cho China Airlines. Nhưng mức bồi thường cụ thể và hình thức bồi thường là do hai bên làm việc, thỏa thuận với nhau. Trách nhiệm của lái xe Toản được căn cứ theo hợp đồng lao động và các quy chế làm việc của TIAGS.

Ông Thanh cho biết thêm các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực hàng không đều mua bảo hiểm, khi xảy ra các sự cố thì đơn vị bảo hiểm hàng không thường chi trả thiệt hại cho bên bị hại.

Theo ông Trần Doãn Mậu - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, trong vụ việc trên TIAGS phải bỏ tiền ra bồi thường hoàn toàn cho China Airlines. Các đơn vị liên quan đều mua bảo hiểm hàng không nên số tiền bồi thường sẽ được bảo hiểm thanh toán.

Với người trực tiếp gây thiệt hại là tài xế Toản, ngoài việc chịu xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan chức năng, TIAGS sẽ xem xét trách nhiệm liên quan theo quy định của doanh nghiệp này và Luật lao động.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30/8, một lãnh đạo TIAGS cho biết trong sáng 1/9 chiếc Airbus A330 của Hãng hàng không China Airlines bị xe chuyển hành lý đụng hôm 27/8 sẽ hoàn tất sửa chữa và bay về Đài Loan.

Vị lãnh đạo TIAGS cho biết đây là vụ va chạm đầu tiên của TIAGS nhưng xảy ra khá nhiều trên thế giới. Chi phí để thực hiện sửa chữa và các chi phí liên quan sẽ được các công ty bảo hiểm (TIAGS và China Airlines đều mua các gói bảo hiểm riêng) phụ trách.

Về phía TIAGS, công ty con của Tổng công ty Hàng không VN - Vietnam Airlines, sẽ có chi phí nằm trong gói bảo hiểm của cả Vietnam Airlines chịu trách nhiệm đền bù.

“Các hãng hàng không đều là bạn hàng với nhau nên thường sẽ hỗ trợ nhau trong các tai nạn như thế này, hơn nữa China Airlines lại là thành viên của Liên minh hàng không Skyteam, trong đó có Vietnam Airlines, nên Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ tất cả phương án, khả năng của mình, trong đó việc sửa chữa sẽ do VAECO, công ty con của Vietnam Airlines, đang chịu trách nhiệm chính” - vị lãnh đạo TIAGS này cho biết.

Chi phí để sửa chữa và các chi phí liên quan không thể đến 1 triệu USD, nguồn tin này khẳng định. Trong các chi phí các bên phải chi trả chỉ có chi phí ngừng khai thác của máy bay là lớn nhất nhưng chỉ khoảng vài trăm ngàn USD là tối đa, không như con số 1 triệu USD như đã được thông tin trước đó./.

Quy trình bồi hoàn ra sao?

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trước hết công ty bảo hiểm (nơi mà China Airlines mua bảo hiểm) sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra.

Sau đó công ty bảo hiểm có quyền yêu cầu người gây ra thiệt hại phải bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà họ đã bồi thường cho China Airlines.

Về nguyên tắc pháp lý, người gây ra thiệt hại trong trường hợp này là pháp nhân Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) chứ không phải là Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIAGS), vì TIAGS chỉ là chi nhánh, là đơn vị phụ thuộc của Vietnam Airlines. TIAGS không phải là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự này, mà chỉ chịu trách nhiệm nội bộ với Vietnam Airlines.

Và cuối cùng, người lao động là công nhân lái xe phải chịu trách nhiệm bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất cho Vietnam Airlines theo quy định của Bộ luật lao động cũng như theo hợp đồng lao động và hợp đồng trách nhiệm (nếu có) với doanh nghiệp.

Theo quy định tại điều 131 về “nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại” Bộ luật lao động năm 2012, người lao động phải bồi thường toàn bộ hay chỉ phải bồi thường một phần thiệt hại là căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

Nếu như sự kiện bảo hiểm trên rơi vào trường hợp công ty bảo hiểm được miễn trách nhiệm thì Vietnam Airlines có trách nhiệm bồi thường trực tiếp cho China Airlines theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.