19/01/2025 | 01:18 GMT+7, Hà Nội

Danh sách các chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm

Cập nhật lúc: 18/05/2016, 23:02

Mới đây, thông tin về việc nhiều loại dầu gội có chứa chất cấm vẫn được bày bán công khai trong các siêu thị đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang: Không rõ chất cấm ấy là gì, loại dầu gội nào có chứa chất cấm và hậu quả của việc sử dụng dầu gội chứa hóa chất vi phạm?

Vào ngày 13/04/2015, triển khai quy định về các chất sử dụng trong mỹ phẩm của Asean, Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã có công văn số 6577 thống nhất về việc quản lý, sử dụng hóa chất trong mỹ phẩm.

Theo đó, đã có một số quy định về tỷ lệ đối với một số loại hóa chất, đặc biết, ra thời hạn sử dụng và công bố thu hồi các loại sản phẩm có sử dụng hóa chất trong danh mục cấm. 

Nhiều siêu thị vẫn bày bán những loại dầu gội có chứa hóa chất trong danh mục chất cấm

Cụ thể: 

Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối (tham chiếu 12a Annex V) được phép dùng riêng lẻ với nồng độ tối đa 0,14% (tính theo acid), và dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo acid).

Thời hạn áp dụng quy định đối với Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối (tham chiếu 12a Annex V) nêu trên: Thời hạn công bố đối với các sản phẩm mới sản xuất trong nước, nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2015; Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu được chỉ phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/06/2016.

Như vậy, các sản phẩm có chứa Butylparaben, Propylparaben cùng các muối gốc hóa chất này sẽ không được lưu hành trên thị trường kể từ ngày 1/7/2016.

05 paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) được bổ sung vào Annex II (các chất không được dùng trong mỹ phẩm).

Thời hạn áp dụng quy định đối với 05 paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) nêu trên: Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/07/2015.

Điều này nghĩa là các sản phẩm có chứa 1 trong 5 dẫn xuất paraben trên không được lưu hành trên thị trường kể từ ngày 31/7/2015.

Thành phần của dầu gội Sunsilk có chứa Methylisothiazolinone (MIT) 

Các chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) (tham chiếu 39, 57 Annex V): Hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off products) với nồng độ không quá 0,0015%; Hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 và có thêm MIT thì không được sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm.

Thời hạn áp dụng quy định đối với Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) (tham chiếu 39, 57 Annex V) nêu trên: Thời hạn công bố đối với các sản phẩm mới sản xuất trong nước, nhập khẩu đến hết ngày 01/07/2015; Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/04/2016.

Điều này có nghĩa là các sản phẩm có chứa loại chất bảo quản trên không được lưu hành trên thị trường kể từ ngày 1/5/2016.

Thành phần của dầu gội Dove có chứa chất bảo quản trong danh mục chất cấm

Công văn của Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại thành phần công thức các sản phẩm mỹ phẩm, cập nhật các danh mục để đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng các sản phẩm an toàn và đúng quy định. 

Tuy nhiên, mới đây, khi kiểm tra tại một số siêu thị thì phóng viên đã ghi nhận được tình trạng bày bán công khai các sản phẩm có chứa chất cấm, được sản xuất và phân phối trong nước nhưng đã hết thời hạn lưu hành và nằm trong danh mục bị thu hồi.

Có thể kể đến các nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm của các thương hiệu như: Pantene, Sunsilk, Clear, Hazeline, Rejoice, Double Rich, Enchenteur… 

Chi tiết danh mục các chất cấm xem tại đây