25/11/2024 | 06:53 GMT+7, Hà Nội

Đằng sau “cú ăn 4” của thương hiệu điện thoại Việt tại Tech Awards 2020

Cập nhật lúc: 12/01/2021, 09:25

Bước chân chinh phục thị trường của hãng điện thoại non trẻ VinSmart đang tạo ra một ngã rẽ trong lịch sử cho ngành sản xuất điện thoại di động Việt.

Khi cái tên VinSmart liên tiếp được xướng lên tại Tech Awards 2020 cùng những tràng vỗ tay vang dội, đó là khoảnh khắc đặc biệt với một thương hiệu mới tròn 2 năm. Bước chân chinh phục thị trường của hãng điện thoại non trẻ VinSmart đang tạo ra một ngã rẽ trong lịch sử cho ngành sản xuất điện thoại di động Việt.

Ngã rẽ từ chiến lược bình dân hóa smartphone

VinSmart là hãng điện thoại hiếm hoi được vinh danh liên tiếp trong đêm Gala Tech Awards 2020 với một loạt giải thưởng: Điện thoại Việt xuất sắc nhất, Điện thoại dẫn đầu trào lưu công nghệ, Điện thoại phổ thông xuất sắc nhất và Sản phẩm công nghệ sáng tạo năm 2020. Chưa từng có hãng điện thoại Việt nào có thể chinh phục thị trường thành công như VinSmart.

Vsmart được vinh danh là thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất tại Tech Awards 2020
Vsmart được vinh danh là thương hiệu điện thoại Việt xuất sắc nhất tại Tech Awards 2020

Lịch sử điện thoại thương hiệu Việt có khoảng 15 năm. Trước đây, các sản phẩm điện thoại – cả điện thoại cơ bản (feature phone) và điện thoại thông minh (smartphone) “gắn mác thương hiệu Việt” là theo hình thức đặt hàng – ODM (Original Designed Manufacture) – tức các doanh nghiệp Việt thuê các công ty sản xuất điện thoại của Trung Quốc sản xuất theo đơn hàng, rồi gắn thương hiệu, logo… của doanh nghiệp mình và bán sản phẩm ra thị trường trong nước. Khi đó, có khá nhiều sản phẩm điện thoại “thương hiệu Việt” thành công, điển hình như Q-Mobile/Q-smart, HKphone…

Thời gian từ 2012 đến 2018, trước thời điểm VinSmart ra đời, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng tham gia vào thị trường điện thoại bằng việc đầu tư mở nhà máy, dây chuyền và ít nhiều làm chủ thiết kế để sản xuất điện thoại mang thương hiệu Việt (theo hình thức OEM – Original Equipment Manufacture – nhà sản xuất thiết bị gốc - những công ty thực sự thiết kế và chế tạo ra các sản phẩm smartphone thực thụ). Tuy nhiên, chưa một thương hiệu nào ghi dấu ấn bằng doanh số bán ra, thậm chí khá mờ nhạt và không tồn tại trên các kênh bán lẻ.

Toàn cảnh nhà máy Vsmart tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Toàn cảnh nhà máy Vsmart tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Những tháng đầu năm 2020 có thể xem là một ngã rẽ trong lịch sử ngành sản xuất điện thoại thương hiệu Việt khi thương hiệu điện thoại Vsmart của Công ty VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) chính thức bứt phá lên top 3 thị phần– thước đo hiệu quả và quan trọng nhất về sức sống của một doanh nghiệp sản xuất điện thoại.

Theo các nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ (điện thoại) lớn nhất của Việt Nam là Thế Giới Di Động và FPT Shop, việc Vsmart có được các vị trí xếp hạng về doanh số bán ra như trên nhờ hãng đã “đánh trúng” phân khúc smartphone giá phổ thông - nơi thị trường mới chỉ có 45% người dân sử dụng điện thoại smartphone, còn lại quá nửa vẫn chưa được phục vụ. Theo thống kê của Thế Giới Di Động – hệ thống bán lẻ đang chiếm khoảng gần 50% thị phần, thì trong liên tiếp những tháng của năm 2020, điện thoại Vsmart luôn trong top đầu các sản phẩm bán chạy nhất.

Trong khi đó, đại diện FPT Shop đánh giá, năm 2020 đã đánh dấu sự đột phá của Vsmart sau khi định vị lại phân khúc giá về sản phẩm, tập trung làm thị trường và giành được thị phần lớn ở phân khúc giá dưới 4 triệu. “VinSmart đã làm tốt về sản phẩm, định giá lại phù hợp cũng như chủ động nguồn cung tốt.VinSmart đã nỗ lực rất lớn và nhận được ủng hộ của người dùng Việt”, đại diện FPT Shop nhận xét.

Có thể kể tên một loạt sản phẩm giá dưới 4 triệu mà VinSmart đã nỗ lực ra mắt trong năm thị trường vốn nhiều trầm lắng trước tác động bởi dịch Covid-19, Vsmart như Joy 3, Star 4, Joy 4, Live 4 – dòng sản phẩm thế hệ thứ 4 của Vsmart. Nhóm sản phẩm này có mức giá phù hợp với nhu cầu đại đa số người dùng và giúp VinSmart lọt vào top 3 thương hiệu bán chạy nhất, đồng thời góp phần thúc đẩy chương trình phổ cập smartphone và xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ.

Thị trường điện thoại 2021 và cơ hội cho thương hiệu Việt

Nhìn vào thị trường điện thoại hiện tại, “miếng bánh smartphone” hiện còn khá lớn bởi hiện mới có khoảng trên 45% người dân là dùng smartphone. Trong năm 2021, cùng với đà phục hồi của Việt Nam như nhiều dự báo trước đó, rõ ràng, cuộc đua thị phần vẫn vô cùng khốc liệt.

Tuy nhiên, trong cuộc đua với các hãng điện thoại của nước ngoài, hiện gần như chỉ còn lại Vsmart là “một mình một chiến tuyến”, bởi Bphone mặc dù hàng năm vẫn ra mắt các sản phẩm mới nhưng trên các kệ hàng của các hệ thống bán lẻ lớn đều vắng bóng. Trong khi đó, Vsmart sau khi lọt top những thương hiệu bán chạy nhất (top 3), sẽ có nhiều lợi thế nhờ việc tiên phong đưa những công nghệ mới nhất vào sản phẩm.

Đơn cử như việc hãng sớm thương mại hóa nghệ camera ẩn dưới màn hình (camera under display - CUD) – xu hướng công nghệ mới trên điện thoại khi mà nhiều hãng lớn trên thế giới còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm. Ngoài ra, công nghệ bảo mật lượng tử cũng là một trong những thế mạnh của Vsmart. Đây cũng chính là các công nghệ được ứng dụng vào Vsmart Aris Pro, giúp sản phẩm này vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn của thế giới để giành giải thưởng “Điện thoại dẫn đầu trào lưu công nghệ” tại Tech Awards 2020.

Vsmart Aris Pro - chiếc điện thoại thông minh tiên phong sở hữu công nghệ camera ẩn dưới màn hình.
Vsmart Aris Pro - chiếc điện thoại thông minh tiên phong sở hữu công nghệ camera ẩn dưới màn hình.

Theo đại diện VinSmart, trước khi đưa sản phẩm smartphone 5G ra thị trường trong nước trong để người dùng Việt được sử dụng những sản phẩm công nghệ tương lai made-in-Vietnam, hãng đã lên kế hoạch để xuất khẩu smartphone 5G vào thị trường Mỹ vào nửa đầu năm 2021. Dù hãng không xác nhận nhưng truyền thông thế giới khẳng định, hiện VinSmart đã ký thành công đơn hàng đầu tiên xuất khẩu smartphone sang Mỹ dưới thương hiệu của một nhà mạng lớn.

Việc xuất khẩu vào Mỹ vẫn là một tín hiệu mở. Chủ tịch Qualcomm Cristiano Amon và Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Qualcomm, ông Alex Katouzian, khi trả lời phóng viên Việt Nam mới đây về việc VinSmart – một thương hiệu non trẻ nhưng phát triển nhanh, làm sao để cạnh tranh và vươn ra thế giới, đã cho rằng VinSmart cần chiếm thị trường trong nước, tạo bàn đạp để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Bởi theo ông Alex Katouzian, thị trường nội địa là quan trọng nhất, Vingroup đã có thế mạnh thương hiệu và có cơ hội để chiến thắng.

Với những gì VinSmart đã làm được, thử thách như lời lãnh đạo tập đoàn Qualcomm nói có thể chỉ là một chặng nhỏ đầy thú vị trong hành trình lớn hơn để thương hiệu Việt chinh phục thế giới.