22/11/2024 | 18:09 GMT+7, Hà Nội

Đảm bảo yêu cầu phòng dịch khi đón học sinh trở lại trường

Cập nhật lúc: 19/05/2020, 15:26

Để đảm bảo chương trình học cũng như yêu cầu về phòng chống dịch trong tình hình mới khi học sinh quay trở lại trường, các trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội đã lên phương án khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế...

Để đảm bảo chương trình học cũng như yêu cầu về phòng chống dịch trong tình hình mới khi học sinh quay trở lại trường, các trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội đã lên phương án khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.

100% học sinh được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay

Theo quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bắt đầu từ ngày 11-5, toàn bộ học sinh bậc mầm non và tiểu học trên địa bàn Thủ đô chính thức trở lại trường học sau nhiều tháng nghỉ để phòng tránh dịch Covid-19. Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều trường, đa số các em học sinh đến trường trong tâm trạng háo hức, vui mừng vì được gặp lại thầy cô, bạn bè bên mái trường thân yêu của mình. Cô giáo Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, nhà trường đã thực hiện các bước tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp và các dụng cụ dạy và học theo đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như ngành y tế.

Trong tuần đầu tiên đi học sau dịch, sĩ số học sinh đi học tăng dần theo từng ngày. Tới giữa tuần, 100% học sinh toàn trường gồm 1.371 em đã đi học trở lại trong tâm trạng hân hoan, háo hức. Khi phụ huynh đưa con tới cổng trường, nhân viên y tế và giáo viên của trường tiến hành đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho từng học sinh. Sau đó, các em lần lượt xếp hàng đi vào lớp theo lối đi riêng cho từng khối. Nhà trường đã trang bị 53 vòi nước ngoài trời và 78 vòi nước trong nhà để giúp các em học sinh thường xuyên rửa tay với xà phòng khi ra chơi, trước giờ ăn trưa. Để đảm bảo yêu cầu hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp, trường bố trí các lớp sẽ ăn bán trú tại nhà ăn lệch giờ nhau. Học sinh lớp 1 sẽ được ưu tiên đi ăn trước từ 10g40 – 11g10 phút sau đó đến các khối còn lại.

Còn tại trường Tiểu học Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, nhà trường cũng chủ động kẻ vạch vôi ở ngay cổng trường, học sinh khi vào cách nhau tối thiểu 2m. Các giáo viên chủ nhiệm cùng nhân viên y tế sẽ đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho các em, tất cả đều phải đeo khẩu trang đúng quy định.

Sáng 13-5, mặc dù xuất hiện cơn mưa nặng hạt vào đầu giờ sáng nhưng các giáo viên vẫn đến từ 6g45 phút và đội mưa để đón các em học sinh. Thực hiện hướng dẫn của Phòng GD&ĐT quận Hà Đông, trường đã chuẩn bị phòng cách ly y tế riêng biệt và lên kịch bản ứng phó nếu xảy ra trường hợp học sinh có biểu hiện bất thường khi tới trường.

Cô giáo Trần Thị Quyên, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường đã mua mới 35 máy đo thân nhiệt điện tử trang bị cho 34 lớp và phòng y tế của trường để sử dụng. Trường đã tiếp nhận hơn 2.300 khẩu trang vải kháng khuẩn để phát cho học sinh. Ngoài ra, trường cũng bố trí lịch đón học sinh, ăn bán trú, ra chơi và giờ ra về của học sinh hoàn toàn lệch giờ nhau để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, hạn chế tiếp xúc giữa các lớp. Toàn bộ 1.764 học sinh của trường ở cả hai khu đều đã đi học bình thường ngay từ đầu tuần. Phụ huynh đã phối hợp rất tốt với nhà trường trong công tác phòng dịch đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh khi tới trường.

Tương tự, trường Mầm non Đan Phượng, Đan Phượng, Hà Nội, do là cấp học nhỏ nhất nên tỷ lệ học sinh đi học lại ngày đầu tiên chiếm khoảng 70% tổng sĩ số. Theo cô giáo Nguyễn Thị Thủy, hiệu trưởng nhà trường cho hay, nắm bắt được thực tế đó nên trường đã tiến hành họp trực tuyến với phụ huynh các lớp từ trước đó để thông báo các chủ trương của ngành cũng như các bước để sẵn sàng phối hợp đưa trẻ tới lớp đúng lịch quy định. Công tác đón trẻ được đặc biệt chú trọng, bởi ngoài việc đo thân nhiệt và sát khuẩn tay, trường cũng phối hợp với UBND xã Đan Phượng tiến hành phân luồng giao thông khu vực trước cổng trường, tránh ùn tắc vào giờ đón trẻ buổi sáng.

Học sinh trường Tiểu học Lê Quý Đôn rửa tay bằng xà phòng trong giờ ra chơi.

Chú trọng công tác bán trú đảm bảo an toàn

Một trong các nội dung được rất nhiều phụ huynh quan tâm khi cho con đi học trở lại sau dịch là việc ăn bán trú. Trao đổi với chúng tôi, nhà giáo Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông nhấn mạnh, Phòng luôn luôn quán triệt tới các trường trực thuộc về công tác bán trú của học sinh. Phải thực hiện theo đúng quy định và tùy vào thực tế của từng trường cũng như thống nhất giữa nhà trường với phụ huynh. Nếu phụ huynh đồng ý cho con ăn bán trú thì trường mới tổ chức cho học sinh đăng ký ăn tại lớp, còn những gia đình không cho con ăn tại trường cũng nên tạo điều kiện để phụ huynh tự đưa đón học sinh vào giờ trưa để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, để đảm bảo chương trình học theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT cũng như của Bộ về tinh giản chương trình ở từng cấp, các trường cũng sẽ phải có cách làm phù hợp với đơn vị mình.

Học sinh trường Tiểu học An Hưng trong giờ học môn Toán trên lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng cho hay, nhà trường đã tổ chức họp trực tuyến với phụ huynh từ ngày 7-5 để chốt phương án có tổ chức bán trú hay không và gần như toàn bộ phụ huynh đồng ý. Ngay sau đó, song song các hoạt động vệ sinh khử khuẩn lớp học, trường tiến hành vệ sinh dụng cụ nhà bếp như luộc ca cốc, bát thìa… tại nhà bếp của trường. Để đảm bảo giảm tiếp xúc tối đa giữa học sinh các lớp, trường quyết định cho 1.645/1.691 học sinh ăn bán trú tại lớp của mình thay vì xuống nhà ăn như trước đây. Một số ít học sinh được cha mẹ đón về ăn trưa do nhà gần trường cũng được tạo điều kiện. Trong thời gian nghỉ dịch, 100% học sinh của trường đều tham gia học online theo lịch của trường đã phân công cho giáo viên chủ nhiệm nên khi đi học trở lại, các em bắt quen khá nhanh với nhịp học tập, sinh hoạt tại lớp. Giờ chào cờ đầu tuần ngày 11-5 được tổ chức tại lớp nhưng vẫn đảm bảo tính trang nghiêm.

Chia sẻ thêm về điều này, nhà giáo Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng nhấn mạnh, Phòng đã chỉ đạo các trường tiếp tục làm tốt công tác tổng vệ sinh khử khuẩn trường lớp. Tại trường học nếu phát hiện học sinh ho, sốt, mệt mỏi sẽ phải đưa tới phòng y tế của trường để kết hợp với Trạm y tế các xã/thị trấn tiến hành các bước xử trí theo quy định. Bên cạnh đó, các trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục của mỗi trường. Căn cứ vào các nội dung học sinh đã được học trực tuyến, khi đi học lại các thầy cô sẽ kiểm tra, khảo sát chất lượng học trực tuyến của các em. Từ đó phân loại học sinh để các em có kết quả học trực tuyến tốt sẽ dạy chương trình tiếp theo. Với những em tiếp thu chưa đảm bảo thì có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp. Theo thống kê, riêng trong ngày đầu tiên đi học sau dịch, huyện Đan Phượng đã có 87% học sinh mầm non và 99,5% học sinh tiểu học đến trường.

Theo khuyến cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trước khi học sinh tới trường, các phụ huynh cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt nhằm đảo bảo an toàn sức khỏe, phòng tránh lây nhiễm. Các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở thì phải nghỉ học ở nhà, không được đến trường. Học sinh phải luôn đeo khẩu trang trên đường đi học. Các nhà trường cần nghiên cứu, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm giảm thiểu tiếp xúc giữa học sinh các lớp. Nhà trường phải duy trì thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở học sinh, giáo viên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị nếu phát hiện có học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên có biểu hiện bất thường về sức khỏe để có biện pháp xử lý kịp thời.