19/01/2025 | 12:10 GMT+7, Hà Nội

Đảm bảo 100% người dân có hoàn cảnh khó khăn được cấp thẻ BHYT

Cập nhật lúc: 02/11/2020, 17:05

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảm bảo 100% người nghèo, người có công, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm đều tăng vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Hết năm 2019, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 86,5 triệu người (tăng 10,5 triệu người so với năm 2016); tính đến 30/9/2020 là 86,7 triệu người, đạt 98,49% kế hoạch.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm.

Cụ thể, phát triển tốt đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, nhất là các đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn, đảm bảo 100% người nghèo, người có công, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT.

Đảm bảo 100% người dân có hoàn cảnh khó khăn được cấp thẻ BHYT

Kết quả, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm đều tăng vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao: Hết năm 2019, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 86,5 triệu người (tăng 10,5 triệu người so với năm 2016); tính đến 30/9/2020 là 86,7 triệu người, đạt 98,49% kế hoạch.

Trong đó, số người tham gia BHXH là 15,5 triệu người, với 844,7 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, riêng số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới năm 2019 tăng gấp 2 lần giai đoạn 10 năm trước từ 2008-2018.

Số người tham gia BHYT là 86,7 triệu người, đạt tỷ lệ 89,6% dân số, trong đó có hơn 2 triệu người thuộc đối tượng người nghèo; 1,7 triệu người thuộc đối tượng người cận nghèo.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân, dẫn đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam đã tổ chức 2 Lễ ra quân trên phạm vi toàn quốc nhằm tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm. Kết quả, chỉ sau 4 ngày triển khai, cả nước đã vận động được 60.000 người tham gia BHXH tự nguyện và gần 64.000 tham gia BHYT hộ gia đình.

Đáng nói, số thu BHXH, BHYT, BHTN từ năm 2016-2019 đều đạt và vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, riêng năm nay, tính đến 31-8-2020, đạt 60,34% kế hoạch.

Các chế độ chính sách đối với người tham gia BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định; quyền lợi của người tham gia ngày càng được nâng cao. Năm 2019, giải quyết cho 12,5 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, tăng 44% so với năm 2016; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 184 triệu lượt người, tăng 26% so với năm 2016.

Đặc biệt, công tác cải cách TTHC của ngành đạt được nhiều bước tiến quan trọng, đã giảm từ 115 thủ tục (năm 2014) xuống còn 32 thủ tục (năm 2016) và còn 27 thủ tục (năm 2019). Nhiều TTHC đã rút ngắn thời gian giải quyết như: Thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày xuống còn không quá 5 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp, không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định…

Với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi, trả thì số lần thực hiện giao dịch bình quân giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm. BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi toàn quốc.

Với những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu 2018, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 81 bậc so với Báo cáo năm 2017).