Đại gia Việt đầu tư bất động sản ở nước ngoài: Cần làm gì để tránh rủi ro?
Cập nhật lúc: 11/11/2018, 19:30
Cập nhật lúc: 11/11/2018, 19:30
Thời gian gần đây, “đầu tư định cư” hay còn gọi là “định cư theo diện doanh nhân” bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và trở thành khuynh hướng đầu tư thu hút nhiều sự quan tâm. Xu hướng này cho phép các nhà đầu tư Việt Nam chuyển vốn trực tiếp vào một quốc gia khác, nhất là những nước phát triển để thiết lập các cơ sở kinh doanh đồng thời xin hưởng quy chế thường trú hoặc định cư lâu dài.
Báo cáo của World Bank chỉ ra, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ di cư nước ngoài cao nhất khu cực châu Á -Thái Bình Dương với khoảng 100.000 người mỗi năm. Ước tính chưa đầy đủ của những chuyên gia tư vấn định cư cũng cho thấy mỗi năm, chỉ riêng nhóm doanh nhân thông qua các suất đầu tư nhà đất và dự án nhằm hợp thức việc “đổi màu” hộ chiếu đã tiêu tốn khoảng 10 - 12 tỷ USD.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, khoảng 45% doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng đang “khát khao” đầu tư ra nước ngoài trong 5 năm tới, tập trung chủ yếu ở các thị trường như Mỹ, Úc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư nhắm đến những quyền lợi đi kèm như quyền được sinh sống, tự do đi lại, quyền trở thành công dân chính thức sau một thời gian khoảng 4 - 5 năm.
Trao đổi với Reatimes về sức hút của khuynh hướng đầu tư định cư, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Có thể thấy, Việt Nam chúng ta hiện nay đang hội nhập rất sâu rộng vào kinh tế vùng thế giới nên mọi hoạt động về kinh tế, đầu tư thương mại ở thế giới có thì ở Việt Nam chúng ta cũng có. Trong bối cảnh đó, xu hướng đầu tư định cư, du học và việc làm tất nhiên cũng đã hình thành và trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chiều hướng tăng lên. Con số mà người Việt Nam mua nhà ở nước ngoài và định cư, du học dự báo sẽ ngày càng tăng”.
TS. Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay, các nước lớn như Mỹ, Canada đều đang siết chặt làn sóng định cư, điều đó là đương nhiên để hạn chế việc định cư trái phép, trốn thuế, buôn người. Còn việc đầu tư mang lại nguồn lợi đến các quốc gia đó thì luôn được mở cửa chào đón. Do vậy, việc chọn hình thức đầu tư bất động sản ở các nước lớn đang là xu hướng được giới nhà giàu lựa chọn để có cơ hội nhập tịch và định cư lâu dài.
“Nhu cầu đầu tư định cư hiện nay là rất lớn. Người Việt đi ra nước ngoài làm ăn sinh sống ngày càng nhiều và người nước ngoài cũng đang có xu hướng chọn Việt Nam làm nơi để an cư. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đó là nhu cầu tự thân, không thể cưỡng lại được mà sẽ ngày càng phát triển”, TS. Nguyễn Hữu Cường cho biết thêm.
Trong khi môi trường kinh tế, xã hội trong nước đang đối mặt với một loạt các vấn đề bất ổn về vệ sinh an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, chất lượng y tế, giáo dục... thì các quốc gia phát triển lại sở hữu hệ thống giáo dục tiên tiến, môi trường sống và phúc lợi xã hội tốt, hệ thống y tế ưu việt, phù hợp cho người trẻ học tập và người già hưởng thụ. Những yếu tố này đã hấp dẫn, thôi thúc một bộ phận người Việt tìm hướng định cư ở nước ngoài.
Anh Hòa, một người làm trong lĩnh vực bất động sản đang có nhu cầu đầu tư định cư lâu dài tại Úc cho biết: “Gia đình tôi đã tích lũy được số vốn “kha khá” nên tôi đang tìm kiếm một dự án đầu tư phù hợp tại Úc để sinh sống và tiện cho con cái được học tập ở đây sau này. Chúng tôi sẵn sàng đầu tư để hưởng quyền thường trú trước, sau mới tính đến việc xin trở thành công dân chính thức”.
Theo anh Hòa, Mỹ và Úc là hai thị trường đang được nhiều người quan tâm nhất, mặc dù tại các quốc gia này, việc đầu tư định cư đòi hỏi những điều kiện tương đối khắt khe với mức vốn đầu tư cao.
Tại Úc, với định mức cơ bản, nhà đầu tư cần có khoảng 800.000 AUD (hơn 13 tỷ đồng) để đầu tư thành lập một doanh nghiệp mới. Trong trường hợp này nhà đầu tư cần đáp ứng rất nhiều điều kiện (tuổi tác, trình độ quản lý doanh nghiệp, trình độ tiếng Anh…). Ngoài định mức trên, còn có những định mức cao hơn như 1,5 triệu AUD (hơn 25,5 tỷ đồng) để đầu tư vào trái phiếu chính phủ của bang, hay các khoản đầu tư đầu tư trọng yếu trị giá 5 triệu AUD (hơn 83 tỷ đồng) và đầu tư cao cấp trị giá 15 triệu AUD (hơn 255 tỷ đồng).
Đổi lại, nhà đầu tư sẽ trở thành “thường trú nhân”, được hưởng tất cả các quyền lợi như công dân tại đây ngoài trừ quyền bầu cử. Con cái họ sẽ được chăm sóc sức khỏe và học tập miễn phí tại các trường công lập của Úc. Sau 4 năm làm “thường trú nhân”, nhà đầu tư có quyền xin trở thành công dân Úc trong khi vẫn được phép duy trì hộ chiếu tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, hình thức đầu tư ra nước ngoài đang tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhiều dự án nguy cơ thất bại trước khi nhà đâu kịp chạm tay vào tấm “thẻ xanh”, hoặc nhiều đơn vị tư vấn chỉ "rao" các dự án đầu tư “ảo” để hưởng phí dịch vụ hàng chục nghìn USD mà không quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Ngoài ra có những trường hợp công ty tư vấn không nắm rõ luật nhưng vẫn làm hồ sơ cho khách hàng, hồ sơ sau đó bị phía nước ngoài từ chối còn khách hàng vẫn mất phí tư vấn. Thậm chí còn có những tổ chức, công ty tư vấn lừa đảo khách hàng nhằm trục lợi.
Do đó, để đảm bảo cho khuynh hướng đầu tư này phát triển một cách hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của người Việt, theo TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, cần phải có nhiều hơn những nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy cũng như cơ chế quản lý tốt.
“Xu hướng định cư ở nước ngoài là xu hướng tất yếu. Về cơ bản chúng ta không thể cưỡng lại xu thế này, do vậy, dưới góc độ của Hiệp hội Bất động sản cũng như những người đang làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài thì rõ ràng chúng ta cần quản lý tốt để làm sao hướng dẫn đúng những người có nhu cầu đầu tư định cư ra nước ngoài trong việc thực hiện đầy đủ, bài bản các quy định luật pháp của Việt Nam cũng như quy định luật pháp của những quốc gia đến để đầu tư”, TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, mỗi quốc gia có một quy định pháp lý về đầu tư định cư khác nhau, do đó nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ trước khi rót vốn nếu không sẽ mất thời gian, kém hiệu quả. Trước mắt cần có những địa chỉ chính thống, đáng tin cậy để những người có nhu cầu nhận được những thông tin chính xác, đồng thời hướng dẫn một cách đầy đủ, chi tiết để giúp cho người mua nhà của Việt Nam ra nước ngoài rút ngắn thời gian, đầu tư có hiệu quả và mang lại lợi ích.
Trong đó, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, VnOPI Fair đang là tổ chức tin cậy và uy tín để kết nối đầu tư, hỗ trợ những người có nhu cầu đầu tư định cư ở nước ngoài. Đây là nơi tập hợp hàng trăm đối tác đa quốc gia có uy tín và kinh nghiệm, tạo điều kiện cho các cá nhân, gia đình, doanh nghiệp kết nối và hợp tác quốc tế, mang đến những thông tin công khai, minh bạch để dễ dàng lựa chọn, so sánh, đồng thời gia tăng kiến thức pháp lý, giảm thiểu rủi ro cho người Việt Nam khi muốn đầu tư định cư ở nước ngoài.
“Với sự đồng hành và kiểm tra, giám sát của các tổ chức nhà nghề có uy tín như Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Hội Môi giới…, những triển lãm kết nối đầu tư toàn cầu như VnOPI Fair đang là một hình thức cần được nhân rộng, tạo thành nguồn tin chính thống, minh bạch để khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với các tập đoàn bất động sản nước ngoài, yên tâm lựa chọn dự án đầu tư mà không phải qua nhiều khâu trung gian”, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho hay.
Mong muốn việc đầu tư định cư cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới, TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh: “Sẽ rất khó khăn ở giai đoạn đầu nhưng tôi tin chắc rằng với sự quyết tâm vì một định hướng chung là quản lý tốt dòng đầu tư mới này, sẽ sớm có thêm nhiều những tổ chức uy tín cũng như những chính sách phù hợp để hạn chế các rủi ro trong đầu tư và đảm bảo quyền lợi cho người Việt ra nước ngoài cũng như những người nước ngoài đang mong muốn đầu tư định cư tại Việt Nam”.
Liên Liên
05:00, 21/10/2018
11:01, 23/04/2018
13:31, 21/03/2018