19/01/2025 | 09:30 GMT+7, Hà Nội

Đại dịch Covid-19 làm mất 81 triệu việc làm, gây xáo trộn thị trường lao động

Cập nhật lúc: 17/12/2020, 10:20

Báo cáo mới của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gây nên mức sụt giảm thời giờ làm việc khổng lồ, đảo ngược tốc độ tăng trưởng việc làm và đẩy hàng triệu người vào cảnh có việc làm vẫn nghèo.

Theo “Báo cáo Triển Vọng Việc làm và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương 2020: vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tương lai việc làm lấy con người làm trung tâm”, ước tính hậu quả về kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra mức tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trong năm 2020. Cuộc khủng hoảng đã và đang gây nên tác động ngày càng sâu rộng, tình trạng thiếu việc làm ngày một gia tăng khi hàng triệu người lao động bị yêu cầu cắt giảm thời giờ làm việc hoặc thậm chí là không làm giờ nào. Nhìn chung, ước tính thời giờ làm việc ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã giảm 15,2% trong quý II và 10,7% trong quý III năm 2020 so với mức trước khủng hoảng.

Báo cáo cũng đưa ra ước tính ban đầu về tỉ lệ thất nghiệp khu vực, theo đó tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng từ 4,4% năm 2019 lên mức 5,2% - 5,7% trong năm 2020.

Phó Tổng Giám đốc ILO kiêm Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà Chihoko Asada Miyakawa cho rằng: “Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào các thị trường lao động của khu vực, và không nhiều chính phủ trong khu vực có khả năng sẵn sàng giải quyết. Diện bao phủ an sinh xã hội thấp và năng lực thể chế hạn chế của nhiều quốc gia khiến họ khó có khả năng giúp doanh nghiệp và người lao động đứng vững. Tình hình này trở nên phức tạp hơn khi còn quá nhiều người lao động hiện vẫn làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Những điểm yếu tồn tại từ thời kỳ tiền khủng hoảng này đã khiến quá nhiều người phải gánh chịu nỗi đau do mất an ninh kinh tế khi đại dịch bùng phát và gây nên tổn thất về thời giờ làm việc và việc làm”.

Thanh niên và phụ nữ bị đẩy ra khỏi công việc

Báo cáo cũng chỉ rõ, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận mức sụt giảm về thời giờ làm việc và việc làm của phụ nữ lớn hơn so với nam giới. Đồng thời, phụ nữ cũng dễ bị rơi vào tình trạng không còn hoạt động kinh tế hơn nam giới. Thanh niên cũng đặc biệt bị ảnh hưởng bởi thời giờ làm việc sụt giảm và mất việc làm. tỉ trọng thanh niên trong toàn bộ số việc làm mất đi cao hơn trong tổng số việc làm 3 đến 18 lần.

“Báo cáo đã cho thấy một bức tranh rõ ràng về việc thanh niên và phụ nữ bị đẩy ra khỏi công việc như thế nào so với những lao động khác” - Chuyên gia Kinh tế Cao cấp thuộc Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là tác giả chính của báo cáo, bà Sara Elder nhấn mạnh.

Đại dịch Covid-19 làm mất 81 triệu việc làm, gây xáo trộn thị trường lao động

Theo bà Sara Elder, với tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều khả năng là thanh niên sẽ khó có thể cạnh tranh để kiếm được việc làm mới. Kể cả khi họ có thể tìm được việc làm thì có thể công việc đó cũng không phù hợp với nguyện vọng của họ. Hàng triệu phụ nữ cũng phải trả giá đắt và những người đã rời khỏi lực lượng lao động có thể sẽ phải mất hàng năm trời để có thể quay trở lại làm việc toàn thời gian.

Người có việc làm nhưng vẫn nghèo

Do số giờ làm việc được trả lương ít hơn, thu nhập trung bình cũng giảm. Báo cáo cho thấy, ước tính thu nhập từ việc làm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ba quý đầu năm 2020 đã giảm khoảng 10%, tương đương với mức giảm 3% trong tổng sản phẩm quốc nội.

Một hệ quả khác là sự gia tăng các mức độ người có việc làm vẫn nghèo. Ước tính ban đầu mà báo cáo đưa ra, là sẽ có thêm 22 đến 25 triệu người có thể rơi vào tình trạng có việc làm vẫn nghèo, khiến tổng số người có việc làm vẫn nghèo (những người có thu nhập chưa đến 1,9 đô la Mỹ một ngày) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng lên mức 94 đến 98 triệu người vào năm 2020.

Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo, rằng xét đến quy mô thiệt hại gây nên đối với thị trường lao động, quy mô tổng thể của những phản ứng tài khóa của khu vực hiện là không đủ; đặc biệt là ở những nền kinh tế đang phát triển trong khu vực. Do tồn tại những khoảng trống trong chi tiêu tài khóa, cuộc khủng hoảng có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo bà Sara Elder: “Xét về mặt tích cực, chúng ta có thể đưa ra trong báo cáo này rằng nỗ lực của chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp giữ chân người lao động mặc dù thời giờ làm việc giảm đi đã và đang phát huy hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng tổn thất việc làm trầm trọng hơn. Với những bằng chứng ngày càng rõ ràng cho thấy các chính sách an sinh xã hội và việc làm giúp duy trì việc làm và thu nhập. Hy vọng rằng cuộc khủng hoảng sẽ dẫn tới các khoản đầu tư lớn hơn và lâu dài hơn trong các lĩnh vực cần thiết nhằm tăng sức chống chịu và thúc đẩy một tương lai việc làm lấy con người làm trung tâm”.