29/03/2024 | 12:46 GMT+7, Hà Nội

Đã có giải pháp loại bỏ triệt để tín dụng đen?

Cập nhật lúc: 08/01/2022, 18:06

Vấn nạn tín dụng đen ở nước ta ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy.

Cùng với các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn “sạch”, Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng Điều 201của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới ban hành được coi là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn, loại bỏ tín dụng đen.

Truy cứu trách nhiệm hình sự nhiều trường hợp

Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cả nước có khoảng 27.000 cơ sở kinh doanh hoạt động cầm đồ. Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng công an đã phát hiện 1.047 vụ với 1.718 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã phát hiện 539 vụ và 884 đối tượng. Gần đây, Cục Cảnh sát Hình sự đã triệt phá nhóm đối tượng gốc Hải Phòng hoạt động ở TP Hồ Chí Minh, lãi suất 1.700%/ năm. Trong đó, có một bị hại vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả cho nhóm đối tượng này trên 20 tỷ đồng, đến nay còn nợ hơn 11 tỷ đồng.

Đã có giải pháp loại bỏ triệt để tín dụng đen?
Đã có giải pháp loại bỏ triệt để tín dụng đen?

Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành mới đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn, loại bỏ tín dụng đen. Đáng chú ý, nghị quyết đã đề cập chi tiết nhiều trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đơn cử, nếu người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản ...), họ còn chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Hay người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên nhưng họ chưa thể thu lợi (vì nguyên nhân ngoài ý muốn); hoặc thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng. Ở tình huống này, cơ quan pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà người cho vay nhằm đạt được. Khi quyết định hình phạt, tòa án áp dụng quy định pháp luật hình sự về phạm tội chưa đạt. Nghị quyết hướng dẫn cách xử lý người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, có số tiền thu lợi bất chính mỗi lần phạm tội từ 30 triệu đồng trở lên. Nếu mỗi lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính, người cho vay còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 2 lần trở lên”.

Xử lý hành vi cho vay nặng lãi thuận lợi hơn

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, mức lãi suất cao nhất trong Bộ luật Dân sự quy định là 20%/ nợ gốc/ năm. Hành vi cho vay lãi nặng còn được quy định là tội phạm theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, hành vi cấu thành tội này là cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức tối đa quy định trong Bộ luật Dân sự trở lên, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi thấp hơn nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Người phạm tội này có thể bị phạt tù tối đa đến 3 năm.

Trên thực tế, hoạt động cho vay lãi nặng diễn ra khá nhiều, cùng với đó là tình trạng người cho vay dùng nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật để đòi nợ gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người vay nhưng tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vẫn chưa được áp dụng nhiều để xử lý các đối tượng có hành vi này. Một phần là do những vướng mắc của các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm chưa cao. “Do đó, mới đây, TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn về hoạt động áp dụng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Trong đó có giải thích rõ ràng về thuật ngữ như “cho vay lãi nặng”, “thu lợi bất chính” là gì; hướng dẫn cụ thể về cách tính về số tiền thu lợi bất chính… Từ những nội dung này, hệ thống tòa án trên cả nước có thể áp dụng quy định tại Điều 201 để xử lý các hành vi cho vay nặng lãi một cách thuận lợi hơn” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tất - Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện KSND Tối cao), để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động cho vay lãi nặng, phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tín dụng đen, nhất là hệ lụy của nó gây ra. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp bóng công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều khoản vay nhỏ; nên có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người lao động trực tiếp được tiếp cận nguồn vốn linh hoạt nhanh chóng nhằm xóa bỏ loại hình cho vay biến tướng.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/da-co-giai-phap-loai-bo-triet-de-tin-dung-den.html