19/01/2025 | 13:33 GMT+7, Hà Nội

"Cứu cánh" nào cho bộ mặt đô thị?

Cập nhật lúc: 17/11/2018, 20:01

Rác thải – vấn đề tưởng nhỏ nhưng thực ra lại không nhỏ, có thể ảnh hưởng mạnh mẽ và thay đổi bộ mặt đô thị. Vì thế, để có thể tạo ra các “bãi rác chất lượng”, yếu tố quy hoạch không thể bỏ qua, thậm chí còn đóng vai trò then chốt.

Đô thị giống như một cơ thể sống hoạt động với chu trình: có đầu vào, xử lý, rồi có phần ra. Con người sống trong đô thị cần có năng lượng, bên cạnh các vấn đề nhà ở, đường xá, tiện ích thì cũng cần nhu cầu về sinh hoạt, ăn uống, giải trí… Từ đó nảy sinh ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ… Mỗi hoạt động đều sinh ra rác thải.

Do đó, để giải quyết vấn đề rác thải ở những nơi đông dân như các đô thị là vô cùng gian nan. Lời giải nào để quy hoạch các bãi rác đô thị hợp lý? Hãy cùng PV trò chuyện với TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để tìm ra đáp án cho câu hỏi này.

PV: Xin KTS cho biết quy hoạch bãi rác đóng vai trò như thế nào trong tổng thể quy hoạch đô thị?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Khi quy hoạch đô thị, lúc nào cũng phải quan tâm tới vấn đề xử lý rác. Đó là một phần của hạ tầng kĩ thuật đô thị mà không thể lược bỏ. Trong quy hoạch, theo quy phạm của Việt Nam hiện nay, tất cả các đô thị khi phát triển, kể cả nông thôn cũng đều phải quy hoạch khu vực xử lý rác thải, chôn lấp và vệ sinh.

Các đô thị luôn phải tính toán lượng rác để quy hoạch cho chuẩn. Với đô thị nhỏ, quy mô bãi rác có thể khoảng 10ha. Nhưng với đô thị lớn, có bãi rác phải lớn hơn hoặc bằng 150ha. Với đô thị nhỏ, tối thiểu bãi rác cách 3km với điểm dân cư; còn với đô thị lớn, phải trên 15km thì mới đảm bảo.

TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

PV: Được biết, chúng ta cũng có những bãi rác đã được quy hoạch bài bản như bãi rác Nam Sơn (Hà Nội), hay bãi rác Đa Phước (TP.HCM). Vậy lí do nào khiến cho các bãi rác này “vỡ trận” và làm ảnh hưởng đến người dân, thưa KTS?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Có một số lí do có thể giải thích cho điều này. Một trong số đó là vấn đề vị trí. Trước đây khi đô thị nhỏ, khoảng cách giữa khu dân cư với bãi rác là có thể đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nhưng khi mở rộng đô thị ra, khoảng cách này bị thu hẹp lại dẫn đến việc bãi rác quá gần khu dân cư. Cũng có nơi lại do vấn đề đất đai chật hẹp, ít, dẫn đến việc nhà quy hoạch tìm nơi để tạo ra bãi rác quá gần khu dân cư. Dần dần khi bãi rác đầy lên, quá tải gây ra ô nhiễm môi trường, kéo theo việc người dân phản ánh rồi biểu tình phản đối. Ngoài ra, việc đặt bãi rác ở đầu hướng gió của khu dân cư cũng có thể gây ra tình trạng “bốc mùi”, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

PV: Như KTS nói, có thể thấy việc chọn địa điểm chuẩn cho bãi rác là rất quan trọng. Vậy thì trong quy hoạch bãi rác đô thị, bên cạnh vị trí, các nhà quy hoạch và quản lý thường gặp phải khó khăn nào, xin KTS chia sẻ?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Việc lựa chọn địa điểm cho bãi rác bây giờ rất khó. Đô thị chật chội, đất trống cho bãi rác không nhiều. Khi quy hoạch, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nơi này cần bao nhiêu bãi, bãi nào đưa vào hoạt động trước, bãi nào sau, rồi tính toán thời điểm bãi rác đầy. Tuy nhiên, thực tế, không dễ để lựa chọn được một nơi đặt bãi rác. Bởi nhiều khi, nếu đặt bãi rác ở ranh giới giữa 2 khu vực, 2 tỉnh gần nhau, sẽ dễ xảy ra tình trạng, tỉnh này chọn bãi rác tưởng xa khu dân cư của mình, nhưng thật ra lại gần khu dân cư của tỉnh lân cận. Do đó nếu quy hoạch bãi rác không nhìn xa, không có tính liên vùng thì đôi khi nhà mình sạch nhưng nhà hàng xóm lại bẩn.

Bên cạnh đó, nhiều bãi rác có quy hoạch nhưng trong quá trình hoạt động, việc quản lý không tốt khiến dân tiến lại sống gần bãi rác quá, tạo ra vấn đề sau này.

Một khó khăn nữa là hiện nay công nghệ xử lý rác thải của chúng ta còn chưa cao. Do chúng ta chưa tiếp cận được công nghệ tốt nhất nên chủ yếu vẫn dùng phương pháp truyền thông là chôn lấp. Trong khi đó, việc phân loại rác tại nguồn lại chưa có, dẫn đến tình trạng rác hữu cơ và rác không phải hữu cô đều thu gom về cả, đổ vào đấy. Kĩ thuật chôn hay đốt lại không hợp vệ sinh, đặc biệt là lại thêm nước rỉ rác, tạo ra mùi rất kinh khủng.

PV: Theo kinh nghiệm của KTS, quy hoạch bãi rác không hợp lý sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quy hoạch cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị nói chung?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Khi quy hoạch, nhà quy hoạch xác định vị trí không hợp lý, không đúng theo các quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn, chẳng hạn bãi rác nằm cạnh nguồn nước của đô thị thì chắc chắn kiểu gì nó cũng ảnh hưởng đến nguồn nước. Rồi thì bãi rác nằm ở hướng gió chính của đô thị hoặc nằm quá liền kề với khu dân cư cũng không đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nếu diện tích quy mô bãi rác không đảm bảo theo yêu cầu của một đô thị, chẳng hạn diện tích quá hẹp, người dân chỉ dùng được một thời gian rất ngắn là nhà chức trách phải di chuyển nó.

Hơn nữa, trong quy hoạch, bãi rác có vẻ rất hợp lý đi chăng nữa, nhà quy hoạch vẫn phải cân nhắc với “ông hàng xóm”, tức đô thị liền kề, xem có ảnh hưởng tới họ hay không. Có thể bãi rác nằm ở cuối nguồn nước của mình nhưng lại nằm ở đầu nguồn nước của đô thị đằng kia. Nếu các đô thị có tình trạng đó thì phải bàn bạc trao đổi để lựa chọn vị trí cho phù hợp. Nếu nhà quy hoạch xác định không chuẩn, chắc chắn người dân họ sẽ lên tiếng, bản thân đô thị cũng phải “trả giá”.

Thiết kế: Minh Phương

Thiết kế: Minh Phương

PV: KTS đánh giá hình ảnh các đô thị của nước ta trong tương lai sẽ ra sao? Liệu chúng có được “giải thoát” khỏi sự “kìm kẹp” của vấn đề rác thải vốn rất nan giải hay không?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Trong tương lai, chắc chắn các nhà quản lý đô thị, rồi những nhà quy hoạch hay thậm chí cả người dân cũng sẽ không chấp nhận để tình trạng rác thải gây ảnh hưởng tới môi trường như hiện nay. Chính ý thức của người dân cũng đã có sự thay đổi. Điều này có thể giải thích bởi, chẳng ai muốn ở nhà mình thì sạch sẽ nhưng ra đường lại phải bước qua bãi rác. Rác bị vứt bừa bãi làm hưởng tới không khí, môi trường và trực tiếp tới sức khỏe nên mọi người sẽ thay đổi thái độ với việc vứt rác và bảo vệ môi trường sống.

Bên cạnh đó, bây giờ là thời đại công nghệ 4.0, các thành phố còn hướng đến đô thị thông minh, chắc chắn con người cũng phải khác dần đi. Đô thị sẽ không phải như bây giờ nữa mà sẽ văn minh hơn.

PV: KTS có gợi ý nào để việc quy hoạch bãi rác hợp lý hơn, tránh làm xấu mặt đô thị cũng như không ảnh hưởng tới quy hoạch chung không?

TS.KTS. Trương Văn Quảng:Ngoài những vấn đề nêu trên như chọn vị trí hợp lý, ý thức người dân cũng cần được nâng cao. Không chỉ là những khẩu hiệu Xanh-Sạch-Đẹp, mà chúng ta cần có những quy ước, quy định đối với người xả rác.

Bên cạnh đó, cũng cần nghĩ tới những bãi rác kèm theo công nghệ, vừa là nơi thu gom, cũng là cơ sở tái chế lại phần rác chúng ta có thể tận dụng được. Do công nghệ đắt đỏ nên nếu không có sự hợp tác công – tư, huy động các doanh nghiệp khối tư nhân vào cuộc thì nhà nước không đủ tiền làm. Để doanh nghiệp muốn đầu tư thì cần có cơ chế chính sách phù hợp.

Rác thải ở Việt Nam đang là một vấn đề không nhỏ mà chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Nếu chính quyền đô thị không nhận thức được vấn đề này thì chúng ta không thể thoát được tình trạng sống chung với rác.

PV: Xin cảm ơn KTS về cuộc trò chuyện!