19/01/2025 | 02:31 GMT+7, Hà Nội

Cuối năm, người Việt chi chục triệu USD mua trái cây ngoại ăn Tết

Cập nhật lúc: 03/01/2019, 21:56

Nhiều cửa hàng cho hay thời điểm này sức mua trái cây ngoại của người dân đã bắt đầu tăng mạnh. Hàng về liên tục và báo giá dịp Tết tăng cao nhưng vẫn không đủ cung ứng.

Chị K.Anh - chủ một cửa hàng chuyên nhập các loại trái cây ngoại về bán, cho biết những ngày cuối năm, sức mua của mặt hàng này đã bắt đầu tăng cao. So với đầu tháng, hiện số lượng đơn hàng mà chị nhận mỗi ngày đều tăng ít nhất 3-4 lần.

Những loại trái cây nhập từ Đài Loan như na bở, bưởi vàng và nho, táo từ Nhật với giá từ vài trăm nghìn đồng mỗi kg, hoặc thậm chí lên đến cả triệu đồng đang là mặt hàng hút khách nhất tại đây.

 Người Việt ngày càng chi nhiều tiền để mua trái cây ngoại. Ảnh: Phúc Minh.

Người Việt ngày càng chi nhiều tiền để mua trái cây ngoại

Theo chị K.Anh, thời điểm này nhu cầu dùng hoa quả của người dân thành thị tăng cao, một phần do dịp Tết Dương lịch được nghỉ 4 ngày nên các gia đình muốn trữ sẵn hoa quả cao cấp trong tủ lạnh để nhâm nhi. Ngoài ra, khác với ngày thường, hiện sức mua giỏ trái cây có giá bạc triệu cũng tăng cao vào đợt nghỉ chào đón năm mới này.

“Ngày thường khách chỉ chọn lẻ từng kg, từng loại trái cây một để dùng nhưng càng cuối năm, họ mua trữ nhiều hơn. Ngoài ra, những giỏ trái cây có giá không dưới 2 triệu đồng, gồm nhiều loại hoa quả nhập khẩu cao cấp được nhiều người chọn để biếu tặng là chủ yếu”, chị K.Anh nói.

Các tiểu thương tại chợ truyền thống cũng xác nhận bên cạnh trái cây trong nước thì những loại nhập khẩu cũng bán được hàng hơn trong tháng này.

Chị Hoa - một tiểu thương bán trái cây tại chợ Thị Nghè (quận 1, TP.HCM) cho hay mọi khi chị vẫn bán hoa quả nội là chủ yếu, hàng ngoại chỉ chiếm một phần nhỏ phục vụ thị hiếu của dân văn phòng hay giới nhà giàu. Tuy nhiên, hiện chị nhập khoảng 3-4 thùng mỗi ngày nhưng đều bán hết sạch.

Tiểu thương này tiết lộ thêm hiện nhiều khách hàng quen đã đặt trước trái cây thuộc dạng cao cấp nhất như nho của Nhật Bản, Hàn Quốc, táo và quýt từ Australia để biếu tặng người thân, tặng sếp.

“Dịp lễ, đặc biệt là Tết tới thì chắc chắn giá sẽ cao hơn ngày thường. Tôi có khuyến cáo trước mọi người nhưng họ đều vui vẻ chấp nhận bởi giỏ trái cây cao cấp, bao giờ cũng đảm bảo chất lượng và thêm trang trọng cho món quà biếu ngày xuân”, chị Hoa nói.

Ngoài cửa hàng trái cây nhập khẩu, chợ truyền thống, theo nhiều bà nội trợ, gần đây các siêu thị trên địa bàn TP.HCM cũng tăng cường bán các loại trái cây ngoại với giá hấp dẫn. Đặc biệt, tại các siêu thị của những đại gia ngoại, số lượng quầy bán trái cây nhập khá nhiều và chiếm phần lớn diện tích tại khu vực rau, củ, quả.

Tại những nơi này, táo, lê, nho… với xuất xứ từ nhiều nước nhưng đều được giảm giá ít nhất vài chục nghìn đồng mỗi kg nên số tiền họ bỏ ra để dùng cũng không quá cao.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết gần đây người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến nhóm hàng thực phẩm trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng.

Ông Hoàng chỉ ra trung bình mỗi hộ gia đình ở thành thị Việt Nam chi gần 4,5 triệu đồng mỗi tháng cho thực phẩm tươi sống. Trong đó, trái cây chính là mặt hàng khiến họ bỏ nhiều tiền nhất để mua. Nói cách khác, trái cây là sản phẩm xuất hiện nhiều nhất trong giỏ hàng mua sắm của người Việt, với tỷ lệ 19%, tăng 3,3 điểm % so với trước đó.

Theo Giám đốc thương mại Kantar Worldpanel, xu hướng mua sắm và chi tiêu của người Việt cho thực phẩm tươi sống và các mặt hàng tiêu dùng là ngày càng chú trọng vào các sản phẩm cao cấp, chú trọng đến sức khỏe và an toàn nhiều hơn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau quả của cả nước đạt hơn 1,57 tỷ USD , tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng nửa đầu tháng cuối cùng của năm, kim ngạch nhập khẩu rau quả đã tăng thêm gần 80 triệu USD , cao hơn khoảng 10 triệu USD so với trung bình các tháng trước.

Hiện thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan với hơn 40%, sau đó là Trung Quốc với 24%. Ngoài ra, các sản phẩm xuất xứ từ Mỹ, Chile, Hàn Quốc cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh thời gian qua.