23/11/2024 | 04:13 GMT+7, Hà Nội

Covid-19 và những kịch bản kinh tế

Cập nhật lúc: 30/03/2020, 09:00

Ngay cả trong kịch bản rất xấu, Việt Nam vẫn có khả năng giữ ổn định vĩ mô.

Tác động của Covid-19 lên kinh tế toàn cầu được dự báo còn mạnh mẽ hơn giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2009. Tuy nhiên những kịch bản đưa ra còn nhiều trắc ẩn vì chưa ai rõ khi nào dịch bệnh chấm dứt.

Kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu?

Italy vốn dĩ đã là một quốc gia có thể chế quản lý không được đánh giá cao. Từ 2009 - 2018, GDP Italy giảm 2% trong khi Đức và Pháp tăng 20,8% và 12,8%. Dù so sánh là khập khiễng nhưng không ngạc nhiên khi số mắc và tử vong vì Covid-19 tại Italy lại tăng nhanh.

Các nước Tây Âu khác như Đức, Pháp, Tây Ban Nha… có số ca mắc tương tự Italy nhưng có độ trễ 8 - 10 ngày. Chỉ có thể hy vọng bài học Italy cùng nền tảng kinh tế, xã hội tốt hơn để họ không đi lại vết xe đổ của Italy. Như vậy, càng “tự do”, người ta có lẽ sẽ càng khó kiểm soát tình hình trong giai đoạn khủng hoảng.

Cuộc chiến chống virus ở Trung Quốc gần như đã hoàn tất. Tính từ lúc phong tỏa Vũ Hán 23/01/2020 đến nay, Trung Quốc đã trải qua 2 tháng và 3 ngày. Với giả định các nước khác trên thế giới cũng “thành công” như Trung Quốc, sẽ cần tối thiếu 2 tháng để dập dịch và trở lại nhịp sống bình thường. Phong tỏa Italy bắt đầu ngày 9/3/2020, như vậy sớm nhất là tháng 5. Tháng 5 cũng là tháng đầu hè nên xác suất có thể kiểm soát dịch là cao hơn.

Kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng

Giới chuyên gia ước tính tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2020 của Trung Quốc sẽ trượt xuống 1,2%. Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu nền kinh tế Trung Quốc không thể khôi phục hoạt động trong tháng 3.

Tuy nhiên, vẫn khó có thể dự đoán tác động của dịch bệnh đối với GDP cả năm của Mỹ và các nước khác. Một tháng trước, khi dịch bệnh chỉ bùng phát tại Trung Quốc, phần còn lại của thế giới chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Nhưng đến tháng 3, Hàn Quốc xác nhận hàng nghìn trường hợp nhiễm bệnh, hàng chục nghìn trường hợp ở Italy, Đức, Pháp và Mỹ, tình hình tồi tệ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Hồi đầu tháng 3, các chuyên gia tại Bloomberg cũng cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Pháp và Đức đều bị giáng đòn. Điều này dẫn đến tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020 giảm xuống 2,3%, thấp hơn 0,8% so với dự đoán trước đó.

Tăng trưởng toàn cầu năm 2020 cũng có thể trượt xuống 1,2%. Khu vực đồng Euro và Nhật Bản rơi vào suy thoái, tăng trưởng Mỹ lao dốc còn 0,5%, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Và trong trường hợp tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với cú sốc tương đương Trung Quốc trong quý I/2020, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ trượt về mức 0%. Nhưng dự báo này chưa tính đến diễn biến tồi tệ của Covid-19 diễn ra tại Mỹ thời điểm cuối tháng 3 này.

Việt Nam có khả năng ổn định được vĩ mô

Dịch Covid-19 và sự biến chuyển của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích SSI, có thể tóm tắt 3 đợt ảnh hưởng của Covid-19 tương ứng với 3 kịch bản kinh tế.

Đợt một đã xảy ra, là dịch bệnh tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Ảnh hưởng chủ yếu của đợt này nằm ở phía cung, là nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào và nguồn nhân lực tay nghề cao tác động đến nhiều ngành công nghiệp như điện tử, may mặc, hóa chất...

Ảnh hưởng ở phía cầu có thể thấy rõ ở du lịch do hai nước Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 50% tổng xuất khẩu du lịch của Việt Nam. Nếu như chỉ có đợt 1, mức độ ảnh hưởng của Covid-19 là không lớn do các ngành sản xuất và tiêu dùng, du lịch sẽ hồi phục nhanh từ cuối tháng 3/2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo dịch kiểm soát trong quý I thì GDP tăng 6,2%. Và điều này đã không thành hiện thực.

Kịch bản dự báo GDP Việt Nam năm 2020

Đợt hai của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam đang xảy ra, là sự lan rộng của dịch bệnh sang Tây Âu và Bắc Mỹ, kèm với tốc độ tăng nhanh người mắc bệnh tại Việt Nam. Ảnh hưởng chính của đợt 2 nằm ở phía cầu. Giả định dịch bệnh ổn định từ tháng 5, đến tháng 6 và chậm nhất tháng 7 tuyên bố kết thúc dịch. Tăng trưởng kinh tế hai quý đầu năm sẽ rất thấp, thậm chí âm. Bù lại, tăng trưởng nửa cuối năm sẽ bật tăng rất mạnh do các nước đồng loạt kích thích kinh tế. Đây là kịch bản “cơ sở”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo nếu dịch kiểm soát trong quý II thì GDP tăng 6%, đây vẫn là một con số quá cao.

Đợt ba không ngoại trừ trường hợp có thể sẽ xảy ra, là dịch bệnh kéo dài, dẫn đến khủng hoảng. Dịch bệnh là khởi nguồn cho khủng hoảng tài chính, bắt đầu từ mắt xích yếu nhất, Italy.

Nếu dịch bệnh kéo dài đến qua tháng 7, không loại trừ Mỹ hay nhiều nước phát triển khác cũng rơi vào khủng hoảng giống năm 2008 (doanh nghiệp vỡ nợ, lao động mất việc dẫn đến không thể trả vay mua nhà...). Hệ lụy của cuộc khủng hoảng này sẽ vô cùng nặng nề và kéo dài. Hiện tại, xác suất của kịch bản này chưa cao do sức khỏe của hệ thống ngân hàng trên toàn cầu đã tốt hơn thời điểm nổ ra khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008 (trừ hệ thống ngân hàng Italy). Do đó nếu xảy ra thì đây là kịch bản rất xấu.

Thực tế sẽ nằm đâu đó ở giữa kịch bản “cơ sở” và “rất xấu” vì hiện tại không ai dám chắc về diễn biến dịch bệnh và khả năng đứng vững của hệ thống tài chính toàn cầu.

Theo đó, vị chuyên gia phân tích này cho rằng, một điều có thể chắc chắn là GDP Việt Nam 2020 sẽ không thể đạt 6%. Phải chuẩn bị tinh thần cho mức xấp xỉ 5% với điều kiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thành công. Nếu giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm chạp, lãi suất giảm không đáng kể, tăng trưởng sẽ còn thấp hơn.

“Với thị trường tài chính, bộ đệm tài khóa và tiền tệ còn tương đối dày, gồm tiền sẵn có của Kho bạc (trên dưới 400 nghìn tỷ đồng), lượng tiền NHNN đang hút khỏi lưu thông (xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng) và đặc biệt là dự trữ ngoại hối (trên 80 tỷ USD). Nhờ có bộ đệm này mà ngay cả trong kịch bản “rất xấu”, Việt Nam vẫn có khả năng giữ ổn định vĩ mô (lúc này không thể tính đến tăng trưởng).

Trong ngắn hạn thì sự hoảng loạn trên thị trường tài chính toàn cầu đã dẫn tới làn sóng rút vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, tác động trực tiếp lên chỉ số chứng khoán và tỷ giá. Trong tương lai, mô hình phục hồi chữ V, W, U hay L sẽ phụ thuộc vào 2 biến số là dịch bệnh và sức khỏe thể chế, tài chính của các quốc gia”, ông Hùng Linh cho hay.