COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, ngành bán lẻ đang ứng phó ra sao?
Cập nhật lúc: 06/06/2021, 10:15
Cập nhật lúc: 06/06/2021, 10:15
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 có những tác động rất lớn đến nhiều ngành kinh tế, khiến nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh. Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng.
Kết quả khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đối với các doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm ngành bán lẻ, có gần 42% DN chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; 50% DN đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% DN bị tác động ít, không đáng kể.
Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, dịch COVID-19 lại bùng phát mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành khiến một số doanh nghiệp ngành bán lẻ rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng khi đa số nguồn hàng, nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất đều có xuất xứ từ Trung Quốc...
Để thích ứng và tiếp tục chống chọi, phát triển trong giai đoạn khó khăn chung do đại dịch COVID-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã và đang áp dụng một số mô hình mới.
Điển hình nhất là xu hướng đẩy mạnh bán hàng đa kênh, tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp.
Theo kết quả khảo sát hành vi tiêu dùng cũng do Vietnam Report tiến hành, trong bối cảnh dịch COVID-19, mọi người phải hạn chế đi lại, tụ tập để phòng chống dịch bệnh, người tiêu dùng đã chuyển đổi kênh mua sắm đối với nhóm các sản phẩm nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu.
Nắm bắt hành vi tiêu dùng này, hiện các nhà bán lẻ cũng đã tập trung khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, các tiện ích (app) qua ứng dụng di động, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử... Đây cũng là xu hướng mà các đơn vị bán lẻ đang tập trung khai thác trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, ngành bán lẻ vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Ngoài ra, việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp bán lẻ cũng là các để ngành bán lẻ chống chọi với đại dịch.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 60% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; năng lực quản trị và khả năng cạnh tranh kém, có nhu cầu vốn lớn. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với các đối tác cùng ngành nghề để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ quản lý tiên tiến từ các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Quy mô đầu tư vào thị trường bán lẻ dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (gấp 1,6 lần năm 2020), nhờ vào sự tăng trưởng thu nhập của một bộ phận người tiêu dung. Nhờ đó, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, xây dựng mô hình siêu thị mini cũng là một xu hướng của ngành bán lẻ hiện đại.
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mô hình siêu thị mini đang thể hiện ưu thế giúp người tiêu dùng hạn chế tập trung đông người như các siêu thị lớn hay trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, không dùng tiền mặt đã và đang trở thành xu hướng và một phần quan trọng của ngành bán lẻ hiện đại. Hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh các phương thức thanh toán dựa trên ứng dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Có thể thấy, để ứng phó với bài toán tiết giảm chi phí, duy trì doanh thu trong mùa dịch kéo dài này, ngành bán lẻ đang xây dựng nhiều xu hướng rất phù hợp và sáng tạo.
Nguồn: https://congluan.vn/covid-19-keo-dai-va-dien-bien-phuc-tap-nganh-ban-le-dang-ung-pho-ra-sao-post137424.html
06:15, 05/06/2021
14:00, 23/05/2021
06:00, 12/05/2021
17:00, 24/04/2021