19/01/2025 | 12:01 GMT+7, Hà Nội

Công suất chế biến chỉ đạt 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra

Cập nhật lúc: 31/12/2018, 03:10

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện số lượng doanh nghiệp chế biến còn rất thấp. Mỗi tỉnh bình quân có 50 cơ sở, năng lực doanh nghiệp còn kém, công suất chế biến chỉ đạt 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra.

Công suất chế biến các sản phẩm nông nghiệp hiện nay còn rất thấp (Ảnh TL)

Theo thống kê, hiện nay các tỉnh phía Bắc có 1.564 doanh nghiệp chế biến nông sản, chiếm 23,6% cả nước, trong đó vùng Trung du miền núi đạt 7,6%, Đồng bằng sông Hồng đạt 10,9% và Bắc Trung Bộ đạt 5,12%; giá trị chế biến chiếm 15% so với cả nước. Một số ngành chế biến khá phát triển như thủy sản, xay xát gạo, chế biến rau quả, sản xuất đồ gỗ dân dụng…

Chế biến ngành hàng lúa gạo các tỉnh phía Bắc có 582 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp với công suất khoảng 10 triệu tấn sản phẩm/năm, thu hút trên 35 nghìn lao động. Chế biến chè có 257 doanh nghiệp, chiếm 81% về số doanh nghiệp và công suất cả nước. Cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp có 88 cơ sở với công suất trên 180 nghìn tấn sản phẩm/năm. Chế biến gỗ công nghiệp có 956 cơ sở, chiếm 26,5% cả nước và công suất 9,7 triệu m3 gỗ, chiếm 38,3% cả nước.

Ngành mía đường có 10 nhà máy chế biến đường công nghiệp, chiếm 25,6% cả nước và công suất 38 nghìn tấn mía/ngày, chiếm 25,2% cả nước. Chế biến thịt có 23 cơ sở, chiếm 45% và công suất chê biến 77.400 tấn sản phẩm/năm chiếm 40% cả nước. Cả nước có 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm, trong đó các tỉnh phía Bắc chiếm 50% cả nước.

Mặc dù ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và còn bộc lộ một số hạn chế. Hiện số lượng doanh nghiệp ít, mỗi tỉnh bình quân có 50 cơ sở; năng lực doanh nghiệp còn kém và quy mô nhỏ, công nghệ chế biến hầu hết còn lạc hậu, chậm đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chè, giết mổ gia súc, bảo quản rau quả… Công suất chế biến chỉ đạt 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra; chế biến sâu còn ít mặc dù một số sản phẩm còn dư địa như ngành hàng rau quả, thịt…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra mục tiêu định hướng đến 2030 cho ngành chế biến là tăng giá trị nông sản qua chế biến đạt 7-8%/năm, trên 50% cơ sở chế biến đạt trình độ công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động 7%/năm. Để đạt được mục tiêu trên, một số giải pháp được đưa ra là: Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, kể cả xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, tổ chức sản xuất nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất, nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào chế biến và bảo quản nông sản…

Ngọc Hà