18/01/2025 | 14:45 GMT+7, Hà Nội

Công cuộc tái cấu trúc để thực hiện sứ mệnh vươn ra biển lớn

Cập nhật lúc: 06/12/2019, 09:14

Vingroup định hướng phát triển thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại dịch vụ hàng đầu khu vực - việc tái cấu trúc doanh nghiệp này được các chuyên gia đánh giá thể hiện tầm nhìn dài hạn vô cùng khôn ngoan.

Thay đổi là tất yếu

Với mong muốn đưa VinCommerce và VinEco phát triển lên tầm cao mới, đồng thời tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp – công nghệ, Vingroup quyết định hợp tác với Masan. Thương vụ sẽ tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

Theo nội dung thỏa thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Theo đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Cuộc bắt tay này được T.S. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định là một bước ngoặt thông minh của Vingroup nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp, tập trung nguồn lực để thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của mình.

T.S. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

T.S. Tô Hoài Nam cho rằng, trước tiên để trở lời cho câu hỏi này, chúng ta nên đặt câu hỏi: Tại sao một hạng mục đang kinh doanh có lợi nhuận tăng trưởng lớn như vậy nhưng Vingoup lại trao quyền cho doanh nghiệp khác, thực hiện M&A?

"Thông thường M&A chỉ được thực hiện khi một doanh nghiệp đang kinh doanh kém hoặc không đủ tiềm năng để vận hành hoặc họ muốn tăng quy mô phát triển mạnh hơn nhưng bản thân Vingroup lại là một tập đoàn đủ tiềm lực và khả năng để quản lý và phát triển mảng miếng đó của mình. Như vậy, trong trường hợp này chỉ có thể lý giải là do Vingroup muốn tái lại cấu trúc lại nên họ mới thực hiện thương vụ M&A”, ông Nam phân tích.

Tái cấu trúc doanh nghiệp là quá trình khảo sát, đánh giá lại cấu trúc hiện tại và đề xuất giải pháp cho mô hình cấu trúc mới nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra trong những điều kiện, hoàn cảnh luôn thay đổi. Mục tiêu chung của tái cấu trúc là đạt được một “thể trạng tốt hơn” cho doanh nghiệp để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả dựa trên những nền tảng vê sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng, điều đáng chú ý, khi thực hiện thương vụ M&A, Vingroup đã chọn một doanh nghiệp Việt để bắt tay và họ không rút vốn. Trong khi, Masan là một doanh nghiệp sản xuất, không phải là doanh nghiệp có kênh phân phối, như vậy, cuộc sáp nhập này sẽ đem lại 2 lợi thế cho Vingroup. Thứ nhất là, Vingroup vẫn giữ lại được hệ thống phân phối của mình để sau này bán những sản phẩm khác. Thứ hai là, Vingroup tìm được một doanh nghiệp cùng chung mục đích, mục tiêu để tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên để phát triển thành một doanh nghiệp mới có giá trị vượt trội, từ đó dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam hướng tới quy mô khu vực.

Điều thuận lợi này được thể hiện rõ trong cam kết giữa hai bên, sau khi giao dịch dự định thành công, Masan Consumer Holding sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách đối với nhà cung cấp. Toàn bộ khách hàng của VinCommerce cũng sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi của Vingroup, đặc biệt là các chính sách đặc quyền thẻ VinID dành cho khách hàng. Các cán bộ nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ với tư cách là người lao động của Masan.

Và để tiến xa hơn

Việc tái cấu trúc doanh nghiệp luôn phải được xem xét một cách thường xuyên, nếu không, tình trạng mất cân bằng của hệ thống có thế xảy ra bất cứ lúc nào. Đối với Vingroup cũng vậy, nhất là khi họ đang thực hiện một hệ sinh thái, đa ngành nghề.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một Tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Phát biểu về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định: “Trải qua 25 năm đầu tư và tích lũy, đến nay, Vingroup đã hội tụ đủ các điều kiện để gia nhập lĩnh vực công nghệ - công nghiệp. Việc đầu tư mạnh mẽ vào hai mảng trên không chỉ giúp Vingroup phát triển lên một tầm cao mới mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái về công nghệ - công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghệ - công nghiệp thế giới. Chúng tôi coi đó là sứ mệnh của mình và sẽ nỗ lực hết sức để hiện thực hóa khát vọng này”.

Sau những tuyên bố như vậy, Vingroup đã cơ cấu lại nguồn lực để tập chung vào lĩnh vực chính mà mình đã công bố bằng việc bắt tay với Masan thực hiện thương vụ M&A đình đám. Giao dịch giúp tập đoàn có thể giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng công nghệ và công nghiệp, khẳng định quyết tâm trở thành Tập đoàn công nghệ - công nghiệp – thương mại dịch vụ hàng đầu Việt Nam và có tầm vóc trên trường quốc tế.

Theo ông Nam, đây là bước đi khá khôn ngoan của Vingroup. Tập đoàn này có một tầm nhìn dài hạn nên những mảng trung hạn hoặc ngắn hạn, họ sẽ cơ cấu lại.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đối với Masan thì đây là một thương vụ khá là hời. Vì về bản chất Masan là đơn vị sản xuất, họ cần kênh phân phối, trong khi Vin lại đang làm rất tốt vấn đề này, giờ Masan tiếp quản một hệ thống chuẩn chỉ, quy củ thì họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực.

“Chúng ta nên chú ý tới một điểm, từ trước tới nay Vingroup và ngân hàng Techcombank có một mối quan hệ rất mật thiết với nhau, từ việc mua nhà, mua ô tô… hay sử dụng bất kỳ sản phẩm nào của tập đoàn này thông qua Techcombank cũng đều nhận được ưu đãi rất lớn. Trong khi đó, một trong những cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan. Vì vậy, theo tôi, Vingroup lựa chọn Masan là điều dễ hiểu bởi hai bên đã trở thành đối tác chiến lực từ lâu. Một bên là phân phối bán lẻ, kết hợp với bên sản xuất bán lẻ sẽ bổ trợ cho nhau cùng phát triển trước sự bành trướng của các tỷ phú tiêu dùng từ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam”, ông Hiếu nhận định.