26/01/2025 | 13:56 GMT+7, Hà Nội

Còn 91 doanh nghiệp phải cổ phần hóa đến hết năm 2020, khó khả thi

Cập nhật lúc: 14/12/2020, 09:55

Theo Bộ Tài chính, đa số các tập đoàn, TCT, DNNN không chủ động triển khai các chính sách của Nhà nước, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ CPH


Theo báo cáo của Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, 11 tháng của năm 2020, Cục đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 7 doanh nghiệp (DN), trong đó có 1 DN thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã hoàn thành công bố giá trị DN của 1 Tổng công ty là Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (EVENGENCO2).

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 11/2020, đã có 178 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 207.116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 178 DN đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 DN cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch),

Số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong tháng 12/2020 là 91 DN, trong đó, triển khai xác định và công bố giá trị DN để cổ phần hóa là 90 DN.

Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các DN còn chậm. Những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm: TP. Hà Nội phải cổ phần hóa 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM phải cổ phần hóa 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 tập đoàn, 3 tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.

Thu về 2.031 tỷ đồng từ thoái vốn trong 11 tháng

Ảnh minh họa.

Về tình hình thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp, trong đó, Hà Nội phải thoái vốn tại 28 DN, Hải Phòng phải thoái vốn tại 12 DN.

Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 4 tổng công ty đến trước ngày 30/11/2020, nếu không hoàn thành sẽ chuyển giao sang SCIC để thực hiện thoái vốn.

Cũng theo Quyết định số 908, 14 doanh nghiệp sẽ được chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn và 18 DN phải thực hiện thoái vốn theo chỉ đạo riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng việc chuyển giao vốn về SCIC, chỉ tính trong tháng 9/2020 đã hoàn thành chuyển giao 7 doanh nghiệp, còn lại 7 doanh nghiệp chưa chuyển giao. Các đơn vị đã hoàn thành chuyển giao gồm: 1 đơn vị thuộc Bộ Công Thương là Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn; 4 đơn vị thuộc Bộ Xây dựng là Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1, Tổng công ty Sông Đà; 2 đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH là Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại và Công ty CP Nhân lực quốc tế Sovilaco với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là là 8.305,8 tỷ đồng.

Về phần thoái vốn, trong tháng 11/2020, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thoái vốn tại 1 DN với giá trị 1,6 tỷ đồng, thu về 2,9 tỷ đồng. SCIC thoái vốn tại CTCP Chăn nuôi Tiền Giang với giá trị 49,8 tỷ đồng, thu về 105,3 tỷ đồng; Thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP Công trình đô thị Nam Định với giá trị 2,7 tỷ đồng, thu về 4,4 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng của năm 2020, cả nước đã thoái được 979 tỷ đồng, thu về 2.031 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 11/2020 là 25.749 tỷ đồng, thu về 173.103 tỷ đồng.

Còn tình trạng chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH

Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, ngoài diễn biến khó lường của dịch Covid-19; các DN thực hiện CPH, thoái vốn, hầu hết là các DN lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai... thì một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. 

Đặc biệt, qua thực tế triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cho thấy, đa số các tập đoàn, tổng công ty, DNNN không chủ động triển khai các chính sách của Nhà nước, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ CPH. Ngoài ra, có DN không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại.

Nhằm đẩy nhanh lộ trình CPH, thoái vốn DNNN trong tháng cuối năm 2020 và năm 2021, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của CPH, Bộ Tài chính đã đề nghị các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định.

Ngoài ra, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN có vốn nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong năm 2020 triển khai công tác thoái vốn theo quy định; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.

Bộ Tài chính cũng đề nghị, đối với các DN CPH, cần lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn CPH, thoái vốn DN để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước./.