18/12/2024 | 11:16 GMT+7, Hà Nội

Cơ thể biến dạng sau 20 năm dùng thuốc 'gia truyền" không nguồn gốc

Cập nhật lúc: 07/11/2015, 03:05

Tin vào bài thuốc "gia truyền" không rõ nguồn gốc, sau khi sử dụng người từ đàn ông lực lưỡng bỗng biến chứng khác thường, nhiều bộ phận trên cơ thể phát triển giống như phụ nữ.

Ẩn họa từ thuốc "gia truyền" giá rẻ

Có mặt tại khoa da liễu, bệnh viện Đại học Y dược (P. 11, Q.5), tiếp xúc với người viết, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh khi nghe chúng tôi đề cập đến tình trạng biến tướng bệnh tật từ thuốc gia truyền dỏm thì lắc đầu ngao ngán.

Lật lại chồng hồ sơ bệnh án, vị bác sĩ kể, có một ca bệnh khi tiếp nhận và thăm khám vào đầu tháng 7 vừa qua khiến bác sĩ lưu tâm và trăn trở nhất. Đó là trường hợp của anh C.H.S (57 tuổi, ngụ Q.5). Khi anh S. đến khám thì bác sĩ Thanh phát hiện cơ thể bệnh nhân không còn bình thường mà có nhiều bộ phận biến dạng.

Tuy là đàn ông nhưng hai vú của anh S. rất to, xệ xuống, bụng có nhiều ngấn mỡ tích tụ, nhiều vết sẹo lồi lõm chi chít, khi mới thoạt nhìn vào, nhiều người không quen mắt sẽ cảm thấy khiếp đảm.

Sau khi lấy mẫu để phân tích bệnh, lúc đọc kết quả xét nghiệp, bác sĩ Thanh cảm thấy bất ngờ khi tìm ra được nguyên nhân khiến tay chân anh S. teo cơ là do tăng dị hoá đạm do đã tự ý sử dụng vào cơ thể một lượng lớn thuốc chứa corticold.

“Sau nhiều lượt câu hỏi của tôi thì anh S. mới chịu thú nhận là mình đã tự ý mua thuốc không nhãn mác để uống. Anh S. kể do làm nghề đóng giày dép ở khu chợ Lớn, làm việc nặng nhọc, hằng ngày phải căng lưng để gò đế giày nên người đau rã rời không ngủ được.

Tình cờ có lần tâm sự với chị bán thuốc lá vỉa hè về tình trạng bệnh, anh được người này mách uống một loại thuốc Đông y gia truyền, một gói chỉ 2000đ/ngày là đảm bảo ngủ ngon”.

Bệnh nhân S. bị biến dạng cơ thể sau 20 năm dùng thuốc không nguồn gốc. (Ảnh: PV)

Bệnh nhân S. bị biến dạng cơ thể sau 20 năm dùng thuốc không nguồn gốc. (Ảnh: PV)

Với tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, anh S. vội mua uống ngay. Ban đầu chỉ định uống cho đến khi nào hết bệnh thì dừng lại nhưng càng uống anh S. càng đâm nghiện, ngày nào không có thuốc thì anh không thể ngủ ngon giấc được, cơ thể cũng đau rệu rã.

Cứ thế, tính đến nay đã 20 năm ròng, anh S. phải phụ thuộc vào loại thuốc “bí truyền” này. Cũng theo lời anh S. kể lại với vị bác sĩ thì vài năm về trước, sau khi dùng thuốc một thời gian dài thì bụng anh liên tục xuất hiện những tản mỡ to.

Tuy nhiên, lúc ấy anh chỉ nghĩ do tính chất công việc của mình phải ngồi nhiều nên bị béo bụng, do đó mỗi khi thấy mỡ xuất hiện ở bụng thì anh S. lại đi hút. Sau mỗi lần hút, mỡ bụng lại khng giảm mà cứ liên tục trồi lên khiến anh S. phải hút liên tục, hậu quả là những vết sẹo có cả cũ và mới chi tít trên vùng bụng.  

“Khi mỡ bụng tiếp tục xuất hiện, khắp người lại nổi mụn nhọt, mắt nhìn mờ, lúc này sợ da nhiễm trùng nên anh S. mới chịu đến bệnh viện để thăm khám.

Tuy nhiên chỉ mới điều trị được vài ngày thì anh S. không quay lại vì không thể sống thiếu thuốc gia truyền đó”- bác sĩ Thanh cho biết.

Không chỉ riêng trường hợp của anh S. mà theo bác sĩ Thanh chia sẻ, thời gian gần đây, rất nhiều bệnh nhân là người lao động chân tay, nội trợ cũng nhập viện trong tình trạng mờ mắt, đục thuỷ tinh thể, mập mình, rậm lông và tóc… nguyên nhân chính của những trường hợp bệnh này cũng là do sử dụng thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc và uống một cách vô tội vạ không kiểm chứng.

Tương tự những trường hợp này, tại bệnh viện Y dược học dân tộc TP. HCM cũng có khá nhiều bệnh nhân tìm đến chữa trị do biến chứng của thuốc gia truyền. Bà T.L (63 tuổi, ngụ Q. Gò Vấp) sau một thời gian uống thuốc “Viêm thấp khớp” gia truyền với nhãn hiệu Đỗ Thái Nam thì mặt bỗng tròn trịa, rất thèm ăn.

Theo bà L. kể thì bà bị viêm khớp ở hai đầu gối, mỗi lần uống thuốc “gia truyền” này vào thì chứng đau nhứt giảm ngay tức khắc. Mỗi ngày, bà L. phải uống liên tục vì chỉ ngưng thuốc một ngày là các khớp xương của bà lại trở lại đau dữ dội. Một bệnh nhân khác cũng bị biến chứng thuốc và lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc gia truyền là chị Nh. Y (45 tuổi, Bình Dương).

Biến dạng cơ thể sau 20 năm dùng thuốc gia truyền không nguồn gốc.

Biến dạng cơ thể sau 20 năm dùng thuốc gia truyền không nguồn gốc.

Chị Y. đến khám tại viện Y dược học dân tộc vì sau hai tháng uống thuốc Đông y gia truyền trị viêm mũi thì hai mắt lúc nào cũng ríu lại, cảm giác rất buồn ngủ, mặt mày sưng húp và đờ đẫn. Theo lời chị Y. kể, chị bị viêm mũi dị ứng, mỗi khi thời tiết thay đổi, chị lại sổ mũi và hắt hơi liên hồi.

Thấy bệnh của chị, một người hàng xóm mách nước và khuyên chị dùng loại thuốc gia truyền để trị bệnh. Vì nhìn thuốc được đóng gói bắt mắt, lại đính kèm dòng chữ đảm bảo khoỉ bệnh và dùng được cho cả trẻ con nên chị Y. không ngần ngại mua ngay để dùng.

Kết quả sau 2 tháng uống thuốc, cơn hắt hơi có giảm đôi chút nhưng hậu quả mà chị Y. nhận lại thì nhiều vô kể như phù hai mí mắt, tóc và lông mọc nhiều ở cổ và sau gáy, thân hình mập nhưng không chắc kiểu tích nước dưới da, tay chân ngày càng teo lại, da mõng đi với nhiều vết bầm, dễ bị trầy xước. Đặc biệt, cảm giác thèm ăn luôn kéo đến khiến chị ăn uống vô tội vạ, ngủ nhiều bất kể ngày đêm.

Thuốc gia truyền giá rẻ: “Tiền mất, tật mang”

Nhiều ngày đi tìm hiểu về thị trường thuốc Đông y tại TP. HCM, phóng viên không khỏi ngạc nhiên bởi việc nhan nhản các điểm bán thuốc như bán rau và người mua cũng dễ dãi không kém khi chẳng cần kê toa, bốc mạch hay thăm khám, cứ thế qua rỉ tai hay những lời mách nước của bạn bè, hàng xóm, bệnh nhân lại vô tư bỏ tiền ra mua những gói thuốc không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ và cũng chẳng rõ thành phần thuốc là gì.

Tại một quầy bán café vỉa hè ở đường Luỹ Bán Bích, Q. Tân Phú, khi nhìn thấy tấm bảng ghi dòng chữ: “Tại đây bán thuốc gia truyền đặc trị viêm xoang” thì phóng viên tạt vào.

Khi hỏi thăm thì người bán nước cho biết bà là đại lý của một nhà thuốc ở miền Tây chuyên nhận và bán lại loại thuốc chữa viêm xoang gia truyền, đảm bảo uống vào, chỉ vài ngày sau là có dấu hiệu giảm bệnh ngay.

Một loại thuốc “gia truyền” bán trôi nổi trên thị trường (Ảnh: PV)

Một loại thuốc “gia truyền” bán trôi nổi trên thị trường (Ảnh: PV)

Đưa gói thuốc gia truyền cho chúng tôi xem, nhìn vào vài dòng chữ trên vỏ bao bì của gói thuốc, người bán nước đọc vanh vách: “Các cô xem thành phần của thuốc này, toàn là loại bổ dưỡng không đấy, thục địa, bạch trực, ngựu tất, quế khâu, hà thủ ô, đại hồi, mật ong. Những loại này đều tốt cho sức khoẻ, không độc, nếu uống vào sẽ ăn ngon, ngủ ngon, kiên trì thì 2 tháng sau sẽ khỏi”. Giá bán là 2.500 đồng/gói.

Khi mang những thành phần của thuốc đến nhờ BS. Trần Văn Năm- nguyên Viện phó Viện Y dược học TP. HCM để nhờ tư vấn thì vị bác sĩ cho biết, ngay cả tên dược liệu trên bao bì thuốc cũng viết sai.

Thay vì “Bạch truật” thì lại viết sai thành “Bạch trực”. Bác sĩ Năm cũng khuyến cáo: “Nếu gói thuốc có đúng thành phần như công bố thì nó chỉ có mục đích tăng sức đề kháng, không có tác dụng tức thời trị viêm mũi dị ứng, viêm khớp như quảng cáo”.

Bác sĩ Năm cũng cho biết, thuốc Đông y thuần tuý không bao giờ có tác dụng nhanh. Nếu bệnh nhân uống một loại thuốc Đông dược mà có tác dụng giảm đau ngay thì đó không phải là thuốc y dược cổ truyền, có thể thuốc này đã được trộn tân dược, đặc biệt là corticoild.

Về corticoild, theo bác sĩ Năm cho biết, loại thuốc này có nhiều công dụng điều trị như chống viêm ở giai đoạn sớm gồm viêm khớp, thoái hoá khớp…, chống dị ứng.

Chính vì sự đa công dụng của corticoild nên nhiều người lầm tưởng rằng loại thuốc này là thần dược trị bá bệnh. Việc lạm dụng corticoid sẽ gây rất nhiều tác hại cho người dùng.

Những tai biến chính do lạm dụng corticoid gồm:

- Tăng cân do giữ natri, đào thải kali gây béo bệu, mặt tròn như mặt trăng.

- Làm cao huyết áp, tăng đông máu có thể gây nghẽn mạch. Chậm liền sẹo các vết thương và dễ gây nhiễm khuẩn thứ phát.

- Làm thoái biến protid nên dễ gây teo cơ.

- Làm xương xốp do giảm hấp thu calci nên khi té ngã dễ bị gãy xương.

- Làm loét dạ dày - tá tràng, dễ gây xuất huyết tiêu hóa.

- Ức chế miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể.

- Làm tăng tiết mồ hôi, co giật, tăng áp lực nội sọ, rối loạn kinh nguyệt, ảo giác, vui vẻ thái quá, tăng nhãn áp.

Có quá nhiều tác dụng phụ nếu dùng không đúng cách, đấy là lý do vì sao thuốc corticoid nhất thiết cần có chỉ định điều trị của thầy thuốc./.