18/01/2025 | 16:16 GMT+7, Hà Nội

Công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng siêu bẩn: Cục ATTP nói gì?

Cập nhật lúc: 14/08/2015, 06:12

"Sau khi kiểm tra, nếu đúng sự việc như báo chí đăng tải, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý và thu hồi toàn bộ các sản phẩm giả danh TPCN này theo đúng quy định của pháp luật”.

Ngày 13/8, nhiều tờ báo đăng tin phản ánh một vụ sản xuất thực phẩm chức năng giả tại TP. Hồ Chí Minh, điều đáng nói, cơ sở này không chỉ sản xuất hàng giả mà còn sản xuất một cách siêu bẩn, từ công đoạn sơ chế, tái chế đến sản xuất đóng gói.

Trước những thông tin gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến người người sử dụng sản phẩm, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế).

TS Phong cho biết: “Sáng nay tôi đã nắm được thông tin sự việc từ báo chí. Ngay lập tức trực tiếp tôi đã điện thoại cho đồng chí giám đốc Sở Y tế TPHCM yêu cầu cùng phóng viên đi đến cơ sở điều tra thông tin báo đưa”.

Nói về phương pháp xử lý nếu thông tin trên là đúng sự thật, ông Phong khẳng định: “Sau khi kiểm tra, nếu đúng sự việc như báo chí đăng tải, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý và thu hồi toàn bộ các sản phẩm giả danh TPCN này theo đúng quy định của pháp luật”.

Đồng thời ông Phong cho biết thêm, gần đây TPCN đang là vấn đề nhức nhối không chỉ đối với người dân mà cả với những người quản lý. Bởi vậy, nếu không có chế tài xử lý tốt thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

“Hiện nay, chúng tôi đang dự thảo những quy định để công nhận doanh nghiệp sản xuất TPCN đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Theo đó, sẽ cấp giấy phép cho những cơ sở đủ điều kiện.

Không thể có chuyện có những doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ để sản xuất TPCN, nhưng cũng có công ty chỉ đầu tư vài trăm triệu cũng sản xuất được TPCN. Như vậy, sẽ không đảm bảo được vấn đề cạnh tranh. Điều đó là không thể bàn cãi, vì những công ty đầu tư nhiều sẽ an toàn và chất lượng hơn, bởi họ có trang thiết bị tốt, có dây chuyền sản xuất tốt…còn những công ty đầu tư ít, tất nhiên họ cũng sản xuất được ra mặt hàng nhưng về các điều kiện đảm bảo an toàn cả về chất lượng và số lượng thì không thể nói là hơn công ty đầu tư cả trăm tỷ đồng được”, TS Phong phân tích.

Trước đó, trên một tờ báo điện tử đã đăng tải thông tin về một cơ sở sản xuất chui TPCN tại TP HCM. Theo đó, cơ sở sản xuất này không những sản xuất hàng giả mà các phương tiện, nguyên vật liệu dùng để sản xuất cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bằng chứng được bài báo đưa ra là những hình ảnh cho thấy, những máy móc đóng gói cũ kỹ, công nhân đóng gói vừa ăn vừa đóng gói, thậm chí là dùng cả hót rác để xúc thuốc đống gói. Về nguyên liệu, bài báo cũng chỉ rõ, toàn bộ nguyên liệu sản xuất TPCN được sản xuất từ đường, bột, muối …Nhưng sau khi thành phẩm, sản phẩm lại mang các nhãn hiệu như: Alp.M. Lysozy... 90, B1, B6 hay Trivita. B... 

Quan sát của phóng viên báo này qua những ngày làm việc nhận thấy, số lượng Alp.M. rơi vung vãi dưới nền nhà đôi lúc công nhân không tái sử dụng, nhưng đối với Lyso. 90, B1, B6 và Triv. B1 - B6 - B12 thì ông Huỳnh - trưởng nhóm công nhân dặn: “Mấy loại này bán nhiều tiền lắm, vỉ nào hư vỏ thì bóc ra lấy lại viên, còn viên nào rớt dưới nền nhà mấy ông chịu khó lượm lên cho vào máy dập lại. Mấy ông lười không làm mà sếp C. nhìn camera biết được là cuối tháng trừ lương ráng chịu”./.