19/01/2025 | 13:22 GMT+7, Hà Nội

Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân sự là thách thức của du lịch Việt Nam

Cập nhật lúc: 07/12/2018, 08:00

Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân sự và du lịch số là những thách thức của ngành du lịch vừa được đưa ra tại diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam.

Cần tái cơ cấu ngành du lịch để phát triển bền vững

Cần tái cơ cấu ngành du lịch để phát triển bền vững.

Diễn đàn do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và báo VnExpress tổ chức chiều 5/12. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế ViEF.

Cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch chưa sẵn sàng

Theo ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam, một trong những yếu tố cản trở du lịch Việt Nam là cơ sở hạ tầng. Mặc dù Việt Nam đã có những thay đổi nhất định nhưng cần nhiều hơn nữa để đón được nhiều du khách hơn. Thị trường Việt Nam cũng đang xếp sau nhiều thị trường khác về tiêu dùng. Bên cạnh đó là vấn đề công suất của các sân bay, rất nhiều thông tin về các sân bay ở TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc giờ đều quá tải.

Ông Kenneth Atkinson khẳng định: "Trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách, nhưng chúng ta phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng".

Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam

Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam.

 

Hà Nội có 67 khách sạn hạng sang với hơn 10.000 phòng. Năm 2017, 4,9 triệu lượt khách quốc tế, gần 19 triệu lượt khách nội địa đến Hà Nội. Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, đây là tiềm năng phát triển du lịch lớn.

Thành phố này có nhiều điểm tham quan lịch sử với gần 4.000 địa điểm như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tiện ích của thành phố được nâng cao nhưng số lượng vẫn còn ít. Ông Kenneth cho biết công nghệ du lịch cũng đang bùng nổ như các nền tảng AirBnB. Tại TP.HCM, 641 khách sạn đang hoạt động, bao gồm 10 khách sạn 5 sao, 26 khách sạn 4 sao, lúc nào cũng trong tình trạng hết công suất. Thị trường du lịch ở đây được đánh giá sôi động. Năm 2017, thành phố chào đón hơn 31 triệu du khách, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Khoảng 6,4 triệu du khách là người nước ngoài.

Đà Nẵng là thành phố này đang phát triển du lịch mạnh mẽ. Tính đến tháng 6/2018, Đà Nẵng có 720 cơ sở lưu trú với hơn 30.000 phòng. Trong số này, 59 là khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng với gần 9.500 phòng.

Nha Trang là thị trường đặc thù, trước đây là khu nghỉ dưỡng ven biển đẹp nhất Việt Nam và ngày càng vươn ra tầm quốc tế. Nhiều khu vực có hạ tầng tốt với 67 khách sạn 4-5 sao cùng với một số dự án đang phát triển. Năm 2017, khoảng 3,4 triệu khách nội địa và 2 triệu khách quốc tế tới Khánh Hòa, tăng 20% so với năm 2016, trong đó, khách hàng Nga, Trung Quốc chiếm phần lớn.

Thái Lan mất hơn 20 năm để tăng trưởng đạt 30 triệu lượt khách như hiện tại. Do đó, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam nhận định việc Việt Nam tăng trưởng từ 12,6 triệu lượt năm 2017 lên 16 triệu lượt năm 2018 là tín hiệu khả quan.

"Nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại", ông dự báo.

"Năm 2017, lượng cầu của khách sạn tăng nhanh hơn lượng cung. Đây là tin tốt với các nhà vận hành. Trong tương lai, lượng cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng do lượng khách quốc tế tăng trưởng lớn hơn so với mục tiêu đề ra năm 2018", ông nói tiếp.

Ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor cho hay, để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực... cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng. "Chúng ta phát triển du lịch nhưng cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường cần được tôn trọng", ông nhấn mạnh.

Ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor

Ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines cho rằng hạ tầng sân bay là một trong những thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai. "Việc này cần phải được lưu tâm lưu ý, cần những động thái tháo gỡ kiên quyết. Nếu không thì hạ tầng sân bay sẽ kìm hãm phát triển du lịch", ông Nam khẳng định.

Cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển cũng khiến chính các công ty du lịch lúng túng. Ông Hà Minh Đức, Tổng giám đốc một công ty du lịch cho biết hiện không dám đưa khách du lịch đến Sapa vì quá đông. "Việt Nam có tài nguyên tuyệt vời, vị trí tuyệt vời nhưng lại gặp khó khăn khi hạ tầng không đáp ứng được lượng khách", ông nói.

Bài toán giáo dục nhân lực cho du lịch

Theo ông Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học Trực tuyến FUNiX, bài toán giáo dục nhân lực cho du lịch vẫn còn nhiều vấn đề nhưng việc đào tạo online có thể đáp ứng được.

Hiệu trưởng FUNiX lấy ví dụ về việc phát triển du lịch ở Hội An. Nơi đây đang phát triển nhanh chóng nhưng nhân lực lại chưa đáp ứng. "Ở Hội An thiếu nhất là người dọn phòng", ông cho biết.

Theo ông, các trường đại học hầu như không đào tạo người dọn phòng có thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thực hiện qua Internet. Người Việt Nam có hạ tầng internet tốt nhất thế giới, người Việt ham học hỏi nhưng chúng ta lại coi nó là thấp kém. "Tổng cục du lịch sẽ có đột phá nếu công nhận các chứng chỉ đào tạo trên mạng", ông Nam nói.

Ông Phạm Hồng Dũng - Phó Tổng GĐ Tập đoàn Mường Thanh chia sẻ bất cập về đào tạo nguồn nhân lực. "Với 60 khách sạn, chúng tôi có tới 16.000 nhân viên. Có thời điểm, chúng tôi mở liền 12 khách sạn, nhu cầu nhân lực rất lớn. Do đó, để tuyển dụng lực lượng lao động là điều vô cùng khó khăn, có lúc có thể nói phải vơ bèo gạt tép để tìm được nhân sự". Ông cho biết, tập đoàn phải tự đào tạo nhân lực bằng nguồn nhân sự cao cấp đến từ nhiều khách sạn quốc tế có kinh nghiệm.

Phó Tổng GĐ Tập đoàn Mường Thanh, Ông Phạm Hồng Dũng nêu ra những bất cập về đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Tổng GĐ Tập đoàn Mường Thanh, Ông Phạm Hồng Dũng nêu ra những bất cập về đào tạo nguồn nhân lực.

Chia sẻ về những bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực, ông Phạm Hồng Dũng -Phó Tổng GĐ Tập đoàn Mường Thanh cho biết: "Thực tế chúng tôi vấp phải là những nhân sự mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, còn tồn tại một số yếu điểm như kén chọn, thiếu tính kiên nhẫn, nhiệt huyết nhưng lại không muốn làm những công việc phổ thông, điều này rất khó để phát triển nguồn nhân lực".

Ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Khách sạn Lodgis khẳng định, nhìn vào ngành Du lịch 6 năm nay thì thấy đây là khó khăn chung của nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam.

"Chúng ta cần một người làm ít nhất hai năm để tích luỹ đủ kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi họ đã có đủ kinh nghiệm, khách sạn cần có chương trình để giữ chân họ. Ngoài ra, Hội đồng tư vấn du lịch cũng đang làm việc với nhiều cơ quan quản lý đào tạo để kết nối các doanh nghiệp cùng tham gia quá trình đào tạo và đây là ý tưởng tốt", ông Craig Douglas nói.

Tuy nhiên, để làm được điều trên, theo ông Craig Douglas, cần có chương trình chi tiết để doanh nghiệp tham gia cùng và đồng thời ứng dụng các phương pháp đào tạo của các khách sạn lớn. "Chúng tôi từng làm các chương trình qua hình thức online hoặc chia sẻ qua tài liệu, video trực tuyến để đào tạo một số doanh nghiệp nhỏ", ông nói.

Du lịch số thời đại 4.0

Tại diễn đàn, bà Tuyết Vũ - Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) đã chỉ ra ba xu hướng chính nổi bật hiện nay. Thứ nhất là số hoá: Sự phổ biến của số hoá trong toàn chuỗi điểm : điểm đến tiếp theo là gì, điểm đặt vé khách sạn, việc khách quay lại và chia sẻ trải nghiệm. Thứ hai là họ chi tiền thế nào, chi nhiều cho chuyến bay, cho khách sạn hay cái khác. Thứ ba là trải nghiệm họ tìm kiếm: Du khách muốn trải nghiệm nhiều hơn văn hoá địa phương, điểm đến mới...

Trong đó, xu hướng số hóa trong du lịch đang thay đổi ngành này rất mạnh mẽ, cần các nhà kinh doanh cà cơ quan chức năng nhanh chóng thay đổi.

Khách du lịch hiện tại sử dụng công nghệ kỹ thuật số rất nhiều. Trước khi đi du lịch, du khách lên Google để tìm kiếm thông tin qua các nền tảng. Sau đó, sử dụng di động để đặt vé máy bay, khách sạn, kết nối với bạn bè qua mạng xã hội... Theo đó, cách du lịch của người dân đã thay đổi. 58% sử dụng tìm kiếm qua giọng nói để tìm hiểu về chuyến đi, 81% đọc bình luận, các bài viết quảng bá trước khi quyết định du lịch hay không... Với việc này, thị trường du lịch trực tuyến trên toàn cầu cũng như khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng, tác động rất nhiều.

Bà Tuyết Vũ - Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG)

Bà Tuyết Vũ - Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG)

Trong 10 quốc gia du lịch đến Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn khách du lịch sử dụng di động để trải nghiệm hành trình.

Chính vì vậy, điều này đòi hỏi ngành du lịch cần biết dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị lên nền tảng số. Việc thay đổi giao diện các nền tảng, ảnh, video, quản trị bình luận về các điểm đến cũng như tận dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch cũng cần những chiến lược mới, cách làm và tư duy mới. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng Internet, quản trị hình ảnh du lịch trên mạng cũng như thiết kế các sản phẩm du lịch trực tuyến để nâng cao sự hiện diện trên các nền tảng số là vô cùng quan trọng.

Ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor cũng cho rằng Việt Nam cần tham gia vào kỷ nguyên số cùng khu vực tư nhân, thông qua giải pháp sô, dữ liệu nhân tạo, Big Data để thúc đẩy Việt Nam làm điểm đến. Ông dẫn chứng ngành du lịch phải tiếp cận hàng triệu nhóm khách hàng, do đó, Chính phủ cần xem đến giải pháp số, marketing số.

Cần tái cơ cấu ngành du lịch

Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Theo ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch. Đây là ngành góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là từ sau năm 1986. Từ năm 1990 đến 2017, ngành du lịch nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần.

Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam xếp 67/136 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Những hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.