19/01/2025 | 18:36 GMT+7, Hà Nội

Cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ tăng giá mạnh

Cập nhật lúc: 10/04/2023, 18:18

Sau chuỗi 10 phiên tăng liên tiếp, chỉ số VN-Index đã gặp khó khăn tại ngưỡng 1080 điểm. Động lực chính chuyển từ nhóm vốn hóa lớn sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Nhịp điều chỉnh xuất hiện, VN-Index lấp Gap tăng trước đó

Nhận định thị trường: Sau thời gian dài test vùng kháng cự 1.050 - 1.060 điểm, VN-Index đã thành công chinh phục ngưỡng cản này trong phiên giao dịch đầu tuần với mức tăng hơn 14 điểm cùng thanh khoản bùng nổ gần 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với đà tăng 10 phiên liên tiếp cùng việc tiến gần kháng cự là đường SMA 200 ngày, áp lực bán đã gia tăng và khiến thị trường liên tục rung lắc ở các phiên sau đó.

Sau chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tiếp, chỉ số VN-Index đã gặp khó khăn tại ngưỡng 1.080. Lực bán tại vùng này đã cản đà tăng của VN-Index và sau 2 phiên giằng co quanh mốc 1.080, bên bán đã chiếm ưu thế đẩy chỉ số rơi về vùng 1.065 - 1.070. Diễn biến giằng co quanh mốc 1.065 đã xuất hiện trong phiên cuối tuần và VN-Index đã thành công trụ vững tại mốc này. Chốt tuần tại 1.069,71, VN-Index vẫn tăng 5,07 điểm (+0,48%) so với tuần trước.

Trong tuần qua, cả 3 chỉ số vốn hóa đều đồng loạt tăng điểm, rong đó động lực chính giờ đây đã chuyển từ nhóm vốn hóa (VN30) sang nhóm vốn hóa nhỏ. Cụ thể, nhóm này tăng 4,08% so với tuần trước, nhóm vốn hóa vừa theo sau khi tăng 2,59%, VN30 tăng nhẹ 0,48%.

TCB dẫn đầu danh sách các cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần với mức tác động +1,1 điểm. Diễn biến sôi động trong tuần thuộc về nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa trung bình và nhỏ (dưới 500 triệu USD), trong đó DIG nổi bật với mức tăng 25,9% trong tuần và xếp thứ 4 trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng. Chiều ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số dẫn đầu là VCB với mức tác động -1,7 điểm.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt 14.322,19 tỷ đồng, tăng 39,1% so với tuần trước. Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi nhóm nhà đầu tư tổ chức trở lại mua ròng với giá trị đạt 35 tỷ đồng. Trong khi đó, cá nhân có tuần mua ròng thứ 3 liên tục với giá đạt 712 tỷ đồng.

Ngược lại, tổ chức trong nước vẫn giữ vị thế bán ròng nhưng đã hạ nhiệt đáng kể và chỉ còn bán ra 747 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 800 tỷ đồng trong tuần, trong đó riêng STB đã chiếm hơn 50% giá trị bán ròng của khối này với hơn 421 tỷ đồng. VND và VNM xếp thứ 2 và 3 với giá trị bán ròng lần lượt đạt 121 tỷ đồng và 120 tỷ đồng. Chiều mua ròng, VIC dẫn đầu với giá trị mua ròng 124 tỷ đồng.

top mua bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài
Diễn biến dòng tiền tại các ngành tiếp tục tăng mạnh với 10/11 ngành mang sắc xanh. Cụ thể, Hóa chất tăng mạnh hơn ba chữ số, Điện, nước và xăng dầu khí đốt tăng hơn 70%, bất động sản đi lên hơn 60%... Ở chiều ngược lại, bán lẻ là ngành duy nhất đi ngược với thị trường chung khi chuyển từ tăng sang giảm gần 20%.

Phân tích kỹ thuật: Xét về khung đồ thị tuần, VN-Index có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp cùng thanh khoản đạt mức tăng nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, qua đó cho thấy việc chinh phục được vùng cản 1.050 - 1.060 điểm và Chính phủ ban hành các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở tuần trước đó đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy trở lại thị trường.

Ở khung đồ thị ngày, áp lực chốt lời một lần nữa khiến chỉ điều chỉnh và tiến gần về vùng hỗ trợ 1.050 - 1.060 điểm. Việc tiến về backtest lại kháng cự đã bị vượt qua này nhằm thu hút dòng tiền mới tham gia thị trường, từ đó hướng đến test kháng cự quanh mức 1.100 điểm (đường SMA 200 ngày).

Trong tuần tiếp theo, các nhịp rung lắc nhiều khả năng vẫn sẽ diễn ra để kéo giảm thị trường về vùng 1.050 - 1.060 điểm. Do đó, nhà đầu tư cần hết sức quan sát diễn biến lực cầu tại đây. Trong trường hợp hỗ trợ trên vẫn trụ vững, chỉ số sẽ có cơ hội hướng đến mức 1.100 điểm. Ngược lại, chỉ số sẽ có khả năng lùi về quanh mức 1.030 điểm (cận dưới của kênh giá tăng bắt đầu từ tháng 12/2022).

Cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ tăng giá mạnh

Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 74 mã tăng giá, 19 mã đứng giá và 28 mã giảm giá. Số lượng mã tăng giá tiếp tục áp đảo. Top mã tăng thuộc về nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Dẫn đầu Top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần (27/3 - 31/3) là API của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX), tăng 48,2% từ 8.500 đồng/CP của tuần trước lên 12.600 đồng/CP tuần này. Theo đó là sự bùng nổ về thanh khoản. Tuần qua, có 8.425.587 đơn vị API được chuyển nhượng thành công, tăng 474,3% so với tổng khối lượng giao dịch của tuần trước đó.

IDJ của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX) tăng 37,6% từ 9.300 đồng/CP lên 11.700 đồng/CP. Thanh khoản tăng vọt, từ 8.656.721 đơn vị tuần trước đó lên 33.982.986 đơn vị (tăng 392,5%).

Tuần qua,  bộ 3 cổ phiếu họ Apec của doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng gồm APS, IDJ và API lần lượt tăng từ 34 - 48,2% giá trị sau chuỗi tăng trần (chưa rõ nguyên nhân) qua đó trở thành các mã tăng giá mạnh nhất sàn HNX.

Cổ phiếu PTN của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Khánh Hòa (UpCOM) tăng 40%, đứng thứ hai Top 20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần qua. Tuy nhiên, PTN là mã thuộc loại thanh khoản thấp, tuần qua giao dịch trung bình 1500 đơn vị/phiên. HRB của Công ty Cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại (UpCOM) cũng tương tự.

Đáng chú ý trong Top 20 cổ phiếu tăng giá là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE). DIG nổi bật với mức tăng 25,9% trong tuần và xếp thứ 4 trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tới VN-Index. DIG tăng từ 13.500 đồng/CP tuần trước lên 17.000 đồng/CP tuần này. Tuần qua có 116.727.700 đơn vị được sang tay tăng 176,3% so với tuần trước. Cổ phiếu DIG có một tuần giao dịch xanh tươi, kéo dài chuỗi 6 phiên xanh liên tiếp. 

DIG tăng giá mạnh trong bối cảnh sau khi mua lại trước hạn hai lô trái phiếu tháng 11/2022, DIC Corp tiếp tục mua thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Ngày 31/3 vừa qua, DIC Corp có động thái mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu mã DIGH2124001 để giảm dư nợ từ 1.000 tỷ đồng về 0 tỷ đồng.

Sau giao dịch, công ty còn dư nợ 900 tỷ đồng trái phiếu. Trong đó, công ty còn phát hành mã trái phiếu DIGH2124002 với mệnh giá 1.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 30/9/2024, lãi suất 11,85%/năm, đã mua lại 539 tỷ đồng vào ngày 10/11/2022, giá trị dư nợ lô trái phiếu còn lại là 461 tỷ đồng.

Tương tự, đối với trái phiếu mã DIGH2124003, trái phiếu với mệnh giá 1.500 tỷ đồng, đáo hạn ngày 26/11/2024, lãi suất 13,45%/năm, đã mua lại 1.061 tỷ đồng vào ngày 10/11/2022, giá trị còn lại 439 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo của các lô trái phiếu bao gồm toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu và phát sinh trong tương lai từ việc đầu tư, phát triển, khai thác, tiêu thụ sản phẩm tại dự án Khu đô thị Du lịch Long Tân với diện tích 331,9ha tại xã Long Tân và Xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; cổ phiếu DIG; và 80 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất với diện tích 42.381m2 thuộc dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Đầu tháng tư, DIC Corp báo lãi tăng 32,5% lên hơn 191 tỷ đồng sau kiểm toán.

HQC của Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HoSE), CEO của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (HNX), SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (HoSE)... tuần qua tăng lần lượt 23,3%, 14,9% và 14,7%. 

Theo sau là DXS của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (HoSE) tăng 14,6%, NTL của Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (HoSE) tăng 13,7%, LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HoSE) tăng 13,3%. 

QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HoSE) mặc dù chốt phiên ngày thứ sáu tại sắc đỏ nhưng tổng kết cả tuần vẫn tăng ấn tượng 13,2%. 

KHG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (HoSE) sở hữu 5 phiên xanh liên tiếp, chốt tuần tăng 12,4%.

Ở chiều ngược lại, HPI của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (UPCoM) dẫn đầu nhóm cổ phiếu bất động sản giám giá mạnh nhất tuần, giảm 14,9% từ 33.500 đồng/CP xuống còn 28.500 đồng/CP. HPI là loại cổ phiếu có thanh khoản cực thấp, cả tuần chỉ giao dịch 100 đơn vị.

Tương tự, trong Top 20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần, XDH của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dưng Dân dụng Hà Nội (UPCoM), VHD của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (UPCoM), MGR của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mgroup (UPCoM)... cũng là loại cổ phiếu thanh khoản khiêm tốn.

Đáng chú ý, PVL của Công ty Cổ phần Đầu tư Nhà đất Việt (HNX) tuần qua giảm 12,5%. Tuần trước đó, PVL gây bất ngờ khi dẫn đầu nhóm cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần trong khi trước đó, ngày 20/3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ra thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu PVL. 50 triệu cổ phiếu PVL (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) sẽ bị huỷ niêm yết kể từ ngày 14/4/2023. Ngày giao dịch cuối cùng tại HNX là 13/4.

VPI của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE) tuần qua giảm 1,6% từ 55.900 đồng/CP xuống còn 55.000 đồng/CP. VPI chốt 4 phiên liên tiếp tại sắc đỏ. 

VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes (HoSE) giảm nhẹ 1,6% từ 51.500 đồng/CP xuống còn 50.700 đồng/CP. 

Vùng VN-Index 1080 điểm trở thành mốc kháng cự mới, mặc dù xu hướng trung hạn của VN-Index vẫn là xu hướng tăng nhưng trong ngắn hạn các cổ phiếu cần thêm thời gian tích lũy ở nền giá mới. Tâm điểm của dòng tiền vẫn đang ở nhóm cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ trung hạn là nhóm "đầu tư công" do được hưởng lợi từ việc thúc đẩy giải ngân vốn ngân sách cho cơ sở hạ tầng trong quý vừa qua, và còn sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới nhằm hỗ trợ kinh tế đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch.

Chiến lược giao dịch cho tuần tới là cơ cấu danh mục ngắn hạn đồng thời tận dụng nhịp điều chỉnh để giải ngân danh mục trung hạn, quan tâm nhóm ngân hàng, cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp và năng lượng./.

Nguồn: https://reatimes.vn/co-phieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-vua-va-nho-tang-gia-manh-20201224000018754.html