19/01/2025 | 11:53 GMT+7, Hà Nội

Có nên hình sự hóa việc chi trả vượt trần lãi suất?

Cập nhật lúc: 03/08/2016, 09:02

Thực tế thời gian qua, quy định về trần lãi suất đã khiến hầu như toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng hình thức chi trả ngoài lãi suất huy động.

Điều này về phương diện pháp lý thì các giao dịch dân sự gửi tiền nhận lãi ngoài lãi suất huy động đã vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Lãi suất âm thầm vượt trần

Câu hỏi đặt ra ở đây là với việc vi phạm quy định như vậy thì việc hình sự hóa giao dịch chi trả ngoài lãi suất huy động (vốn là quan hệ kinh tế dân sự) có hợp lý hay không?

Theo giới luật sư, Bộ luật Hình sự hiện tại không có nội dung về việc xử lý vi phạm quy định chi trả lãi suất huy động, mà chỉ có điều 165 về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với mức thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên.

Bộ luật Hình sự hiện tại không có nội dung về việc xử lý vi phạm quy định chi trả lãi suất huy động

Như vậy, chiếu theo quy định trên, đối với một TCTD quy mô nhỏ có thể có án hình sự đối với vài trăm người, TCTD cấp trung và lớn có thể lên tới vài nghìn người.

Với tính phổ biến, đại trà của việc chi trả ngoài lãi suất huy động trong hệ thống khoảng 40 TCTD Việt Nam thì con số thực sự sẽ lên tới hàng chục ngàn người liên quan trực tiếp đến chi trả lãi suất. Với quy mô như vậy thì việc hình sự hóa triệt để điều này có thể tạo nên một hiện tượng xã hội, kinh tế tiêu cực.

Ngoài ra, đi sâu vào cấu trúc hành vi vi phạm của một tổ chức NH cũng có các mức độ khác nhau.

Với NH cổ phần, quản lý tập trung tại hội sở, thì quản lý cấp cao gồm Chủ tịch, Tổng Giám đốc là người đưa ra chủ trương xây dựng hình thành chính sách, xây dựng biểu lãi suất và mức chi ngoài. Cân đối để có nguồn tiền chi ngoài là lãnh đạo cấp trung các khối nghiệp vụ tại hội sở NH: Khối cá nhân, khối DN, khối kế toán, khối nguồn vốn...

Các đơn vị chi nhánh là cấp cuối cùng tuân theo các quy định, sự hỗ trợ, hướng dẫn của hội sở để thực hiện. Họ chỉ là những người làm công ăn lương, không được hưởng lợi từ việc làm sai quy định đó và cá nhân họ khi thực hiện không hề ý thức được việc làm tổn hại đến hoạt động NH.

Như vậy, về quy mô thì phạm vi đối tượng chịu tác động là quá lớn. Về cấu trúc hành vi của việc chi trả lãi suất vượt quy định trong một TCTD là hoàn toàn khác nhau giữa các cấp (cấp cao, cấp trung, chi nhánh).

Trên góc độ nguyên nhân phát sinh thì áp đặt trần lãi suất huy động khi chưa dùng hết các biện pháp thị trường là đi ngược với nguyên tắc định hướng của hệ thống, nên tự nó đã tạo ra sự sai lệch đối với quy định.

Với các điểm như vậy thì hình sự hóa việc chi trả ngoài lãi suất huy động có thể gây mất lòng tin đối với chính sách, tác động tiêu cực tới một lực lượng lao động quan trọng.

Cân nhắc những tác động

Liên quan đến hình sự hóa quan hệ kinh tế, bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) khi góp ý cho Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã nhấn mạnh: Mỗi sự thay đổi về chính sách và quy định pháp lý đều có tác động đến hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế, trong đó có DN và các TCTD.

Đặc biệt, hoạt động tiền tệ, tín dụng là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Mỗi một động thái trong các hoạt động lĩnh vực này đều có tác động ít hoặc nhiều đến tâm lý thị trường, tâm lý xã hội và tình hình hoạt động của ngành NH, của DN, các tầng lớp dân cư.

Do vậy, chính sách nếu không đúng, không trúng sẽ khiến hoạt động của các TCTD bị ảnh hưởng không tốt. Và ngược lại, những "cú sốc" về tâm lý, dư luận xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các TCTD.

Theo VNBA, với việc hình sự hóa các hoạt động NH như hiện nay, cán bộ NH luôn "sống trong sợ hãi". Bởi chỉ cần "linh hoạt" với khách hàng thôi đã có thể vi phạm quy định về cho vay.

NH là ngành kinh doanh rủi ro, không có NH nào hoạt động an toàn 100%. Khi cho vay, các TCTD đã chấp nhận rủi ro, có quỹ dự phòng… Nếu cứ có mất mát là TCTD bị xem xét truy tố, khởi tố, buộc tội thì không hợp lý” - đại diện VNBA nêu ý kiến.

Lãi suất cơ bản phục vụ cho điều hành chính sách tiền tệ. Sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Ngược lại, với quan điểm khống chế lãi suất thỏa thuận để chống cho vay nặng lãi, theo VNBA, nên quy định: Với giao dịch dân sự thông thường, lãi suất do các bên thỏa thuận; với giao dịch của các TCTD, lãi suất thực hiện theo quy định của các luật chuyên ngành.