19/01/2025 | 10:08 GMT+7, Hà Nội

Lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục tăng?

Cập nhật lúc: 17/07/2016, 05:53

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số NHTM CP nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn.

Thanh khoản ngân hàng đang khá dồi dào

Thống kê của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Báo cáo kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm cho thấy, lãi suất huy động VND kỳ hạn dài đã tăng nhẹ trong q1/2016 (tăng 0,1-0,5 điểm % so với cuối năm 2015 và tăng 0,3 - 0,7  điểm % so với cùng kỳ năm 2015) và duy trì khá ổn định trong quý 2/2016.

Cùng với đó, lãi suất cho vay VND quý 1/2016 cũng tăng nhẹ ở kỳ hạn dài so với cuối năm 2015 (tăng 0,2 - 0,5 điểm %) và có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng thương mại lớn, sau chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, từ 14/6/2016, tại một số ngân hàng thương mại nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 điểm % so với cuối năm 2015. Nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn.

Riêng về thanh khoản, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho biết, thanh khoản của VND từ đầu năm 2016 khá dồi dào. Nguyên nhân do nguồn cung khá dư thừa, huy động tăng cao trong khi tín dụng tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ.

Đưa ra dự báo lãi suất 6 tháng cuối năm, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng tại một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng hiện đang khá dồi dào sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm.

Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục tăng thấp hơn so với cùng kỳ 2015 (6 tháng/2016 là 5,52%; 6 tháng/2015 là 6,28%).

Đưa ra nguyên nhân GDP tăng thấp so với cùng kỳ năm 2015, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, do sự suy giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và khai khoáng.

Cụ thể, trong khi vốn đầu tư toàn xã hội vẫn đảm bảo 32,9% GDP trong 6 tháng/2016 (cùng kì 2015 là 31,1% GDP), tăng trưởng GDP chậm chủ yếu do suy giảm tăng trưởng của nông nghiệp và khai khoáng.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng kể từ tháng 11/2015. Tính đến tháng 6/2016, CPI tổng thể tăng 2,4% so với cùng kỳ và tăng 2,35% so với đầu năm.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nguyên nhân tăng lạm phát chủ yếu do tăng giá một số nhóm hàng như dịch vụ y tế (tăng 23,15% so với đầu năm); giáo dục (tăng 4,47% so với đầu năm).

Tính chung, trong 6 tháng đầu năm, 2 nhóm này góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 1,08% so với đầu năm, đóng góp 46% vào tổng mức tăng kể từ đầu năm. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 2% từ đầu năm đến nay.

Đối với hoạt động của doanh nghiệp, trong 6 tháng/2016, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 0,9%).

Với những yếu tố trên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc cho biết, xu thế tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì được xu hướng tăng tích cực nhờ vào những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Song, tăng trưởng trong ngắn hạn đang suy giảm chủ yếu do chịu tác động của các yếu tố chu kỳ kinh tế và suy giảm về tổng cung (do hạn hán, thiên tai và giá dầu thế giới giảm).

Do đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 cần có biện pháp hỗ trợ về tổng cầu để bù đắp sự suy giảm của tổng cung, nhất là việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 16 - 18% và mở rộng thị trường hàng xuất khẩu.