19/01/2025 | 02:13 GMT+7, Hà Nội

Có hay không việc 'chia tiền' ở Bộ GD-ĐT?

Cập nhật lúc: 11/09/2018, 00:11

Cứ như lời của GS Hồ Ngọc Đại, thì con số 7 và 13 con số không đằng sau, tức là đề án đổi mới chương trình- sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, được Bộ GD-ĐT đưa ra năm 2011, với vài chục trang giấy và số tiền kèm theo là 70 ngàn tỷ đồng...

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

- Từ năm học 2019-2020, tức là năm sau đấy, sách giáo khoa mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào?

- Không hơn gì cái cũ đâu. Chỉ chia nhau tiền, để... làm tiền. Không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế.

- Mà lúc đó lại có nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh, cho giáo viên, cho phụ huynh lựa chọn thì nó sẽ rối rắm như thế nào ạ?

- Cái này rối rắm. Việc vớ vẩn thôi. Tức là tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền. Thế thôi. Cô có biết số tiền ... bỏ ra là bao nhiêu không? Là 1 con số 7 và 13 số không.

Hai câu hỏi trên là của PV kênh VTC 14 Đài truyền hình Việt Nam. Còn hai câu trả lời là của GS Hồ Ngọc Đại. Đoạn băng trên đã được phát trên kệnh VTC14 mới đây, và được PV của VTC 14 đưa lên FB của mình, được mạng xã hội chia sẻ rộng rãi, khiến dư luận xã hội rúng động.

Cứ như lời của GS Hồ Ngọc Đại, thì con số 7 và 13 con số không đằng sau, tức là đề án đổi mới chương trình- sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, được Bộ GD-ĐT đưa ra năm 2011, với vài chục trang giấy và số tiền kèm theo là 70 ngàn tỷ đồng, dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Cũng theo GS Hồ Ngọc Đại, thì khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký quyết định chính thức đưa phương án công nghệ giáo dục của ông về địa phương, thì “vướng” quy định tại nghị quyết số 40 của Quốc hội “chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất cho toàn quốc”, nên ông Phạm Vũ Luận đã bỏ 50 triệu đồng mời luật sư tư vấn cho mình cách “lách luật”. Và kết quả của tư vấn đó đã được ngài Bộ trưởng thực hiện : Xin được làm “thí điểm”, tức là đưa bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục vào dạy thử.

Nhưng nếu là “thí điểm”, thì chỉ cần một ngàn học sinh (khoảng 30 lớp), là kết quả thu được, qua tổng kết, đã có thể tin cậy được rồi. Đằng này, việc “thí điểm” đã được làm ở 16 tỉnh, thành, với trên 50.000 học sinh, và hiện nay là 800 ngàn học sinh trên cả nước.

Chừng ấy học sinh, là chừng ấy bộ sách giáo khoa, được in và phát hành độc quyền, với giá bán cao gấp từ 2 đến 3 lần một bộ sách giáo khoa bình thường. Vậy số tiền lãi hàng ngàn tỷ đồng đã vào túi ai?

Điều kỳ lạ nhất, là trước câu trả lời rất thẳng thắn rằng “thực chất của nó là chia tiền” của GS Hồ Ngọc Đại trên một phương tiện truyền thông quốc gia, mà Bộ GD-ĐT vẫn im lặng.

Tiền đầu tư cho giáo dục là tiền Ngân sách. Chia tiền Ngân sách là tội tham ô, có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình, đâu phải chuyện đùa. Hơn thế nữa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT còn lách luật, thì các thầy các cô bên dưới có dạy được học trò là phải sống trung thực, ngay thẳng, thượng tôn pháp luật được không?

Trước sự im lặng của Bộ GD-ĐT, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ những thông tin mà GS Hồ Ngọc Đại đã đưa ra.