19/01/2025 | 18:23 GMT+7, Hà Nội

Có được ăn nông sản sạch khi “siết” quy định tem nhãn?

Cập nhật lúc: 28/11/2018, 00:00

Để bảo vệ người tiêu dùng trước thực trạng mặt hàng nông sản, thủy sản “đội lốt” hàng Việt Nam, hiện nay cơ quan chức năng đang phối hợp “siết” quy định về tem nhãn, để nhận diện mặt hàng nông sản “chuẩn” xuất xứ trong nước.

  Mặt hàng ổi, táo đá được các xe hàng rong bán với giá chỉ 20.000 đồng/kg. Ảnh: Bảo Loan

Mặt hàng ổi, táo đá được các xe hàng rong bán với giá chỉ 20.000 đồng/kg. Ảnh: Bảo Loan

Táo “đẹp”, đào “thơm”… giá chỉ 20.000 đồng/kg

Bưởi, đào, táo, mận, chôm chôm, nho… là những mặt hàng nông sản quen thuộc, khi vào chính vụ, những loại nông sản này là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng bởi mức giá rẻ chỉ khoảng 20.000 đồng/kg.

Theo những người có kinh nghiệm lựa chọn trái cây, sản phẩm có xuất xứ trong nước thường có mẫu mã xấu hơn so với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng có những nông sản trong nước mẫu mã đẹp, giá bán ngang bằng hoặc thấp hơn sản phẩm mẫu mã xấu hơn khiến người tiêu dùng lúng túng khi lựa chọn. Thậm chí, những mặt hàng này còn bị người tiêu dùng cho rằng đây là nông sản nhập khẩu tiểu ngạch “đội lốt” hàng Việt Nam. Các mặt hàng nông sản bị nghi là “đội lốt” hàng Việt Nam thường được bán công khai tại các chợ dân sinh hoặc bán rong trên vỉa hè, các tuyến phố có lưu lượng người tham gia giao thông lớn.

Theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội như: Chợ tạm Quan Nhân, chợ Ngã Tư Sở, chợ Phùng Khoang… mặt hàng trái cây như táo, cam hoặc ổi có giá chung là 20.000 đồng/kg đến khoảng 30.000 đồng/kg. Tại các xe hàng rong bán trái phép trên một số tuyến phố như: Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Quan Nhân, Mai Dịch… cũng có mức giá tương tự. Khi được hỏi về xuất xứ của ổi, táo, cam, các chủ hàng rong cùng khẳng định, tất cả đều là “mình trồng”. Đơn cử như ổi có xuất xứ từ Thanh Trì, táo được trồng ở Lào Cai hay Hà Giang có giá chỉ 20.000 đồng/kg, còn cam Cao Phong (Hòa Bình) thì có giá 15.000- 25.000 đồng/kg.

Mặc dù được quảng cáo là hàng có xuất xứ trong nước, nhưng khi nhìn vào các mẫu mã bắt mắt, người tiêu dùng vẫn “e dè” lựa chọn. Bà Nguyễn Thị Hồng (43 tuổi, ở Thanh Xuân) là một ví dụ. Chia sẻ với PV, nhìn các sọt ổi rong 10 quả đẹp như 10 mà lại có xuất xứ trong nước, bà Hồng nghi ngại. Bà Hồng nói: “Người bán hàng luôn quảng cáo sản phẩm tốt nhất, lại có giá hợp lý nhất. Nhưng theo tôi, để lựa chọn hàng “chuẩn” Việt thì chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm và cảm quan của người mua hàng. Thực tế, mặt hàng này rất “luộm nhuộm”. Người mua, kẻ bán dễ dàng trao nhầm niềm tin khi lựa chọn”.

Sẽ quy định tem nhãn trong mặt hàng nông sản

Trước thực trạng mặt hàng nông sản, thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ bán tràn lan, đặc biệt là tình trạng “mượn áo” cho sản phẩm nông sản đánh lừa người tiêu dùng, Bộ Công thương đã “vào cuộc” kiểm tra, xác minh và khẳng định, nhiều sản phẩm hoàn toàn không phải hàng Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, nông sản “đội lốt” hàng Việt Nam chủ yếu diễn ra dưới 2 hình thức là hàng nhập khẩu được trộn cùng nông sản Việt Nam để bán ra thị trường, hoặc hàng nhập khẩu được giới thiệu là hàng Việt Nam. Gọi chung là nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt Nam. Đơn cử như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa… Đặc biệt là mặt hàng khoai tây với số lượng lớn được chở về các chợ và thay bao bì, bôi thêm đất… để dễ đánh lừa người tiêu dùng.

Cũng theo Bộ Công thương, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng nhập khẩu “đội lốt” nông sản Việt Nam. Thứ nhất là các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng; thứ hai, các quy định về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện, triệt để đối với nông, thủy sản; thứ ba, pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm Việt Nam.

Vì những “điểm yếu” trên, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản, tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ; giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ.

Sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước được dư luận đánh giá là nhanh chóng, kịp thời, hợp lòng dân. Đây là được coi biện pháp hành chính không những để người tiêu dùng phân biệt được hàng hóa xuất xứ trong nước, nhập khẩu, mà biện pháp hành chính này là “vị cứu tinh” của người tiêu dùng, trong việc lựa chọn hàng hóa “chuẩn” Việt. Đặc biệt là trước những loại nông sản mập mờ về nguồn gốc xuất xứ.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước rất đáng hoan nghênh, đặc biệt giữa bối cảnh hàng hóa nông sản có nhiều nguồn gốc xuất xứ, mập mờ về chất lượng. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất trong công cuộc bảo vệ người tiêu dùng là khâu tổ chức thực hiện quy định ra sao, để người tiêu dùng được bảo vệ thực sự. Tôi cho rằng, để tổ chức thực hiện các quy định pháp luật đối với mặt hàng nông sản, quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người. Thứ nhất, phải có người đi giám sát thực hiện quy định phải xây dựng đội ngũ nhân sự trong sạch. Thứ hai, chế tài đi theo Nghị định phải nghiêm, bao gồm cả khen thưởng, kỷ luật. Thứ ba, xây dựng tính kỷ luật tự giác của người dân, chứ không để chờ biện pháp hành chính vào cuộc”.

Bảo Loan