Cơ chế tài chính xanh của Việt Nam mới ở bước đầu
Cập nhật lúc: 14/12/2020, 16:25
Cập nhật lúc: 14/12/2020, 16:25
Để hiểu rõ hơn những hoạt động của khối ngân hàng thời gian qua trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và phát triển bền vững, tại khuôn khổ của Hội thảo cơ chế tài chính xanh do Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức, phóng viên Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Thưa bà, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có quan điểm thống nhất về công trình xanh, vậy ngành tín dụng ngân hàng định nghĩa như thế nào về công trình xanh?
-Theo quan điểm của các tổ chức tín dụng thì công trình xanh bao gồm các dự án, phương án xây dựng, cải tạo các công trình dân dụng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, nước, tài nguyên và các dự án sản xuất quản lý vật liệu xây dựng bền vững, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa công trình xây dựng xanh là một trong 12 lĩnh vực xanh được theo dõi và quản lý trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những hoạt động cụ thể nào để khuyến khích tăng trưởng xanh?
-Về mặt chính sách, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã hình thành khung chính sách tăng trưởng xanh quốc gia thông qua việc ban hành hàng loạt văn bản như Quyết định 1393/QĐ-TTg; Quyết định 403/QĐ-TTg; Quyết định 622/QĐ-TTg; Quyết định 986/QĐ-TTg. Đáng chú ý là Luật Bảo vệ môi trường được thông qua vào ngày 17/11/2020.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng ban hành hàng loạt văn bản như Chỉ thị số 03/CT-NHNN; Quyết định 1552/QĐ-NHNN; Quyết định 1732/QĐ-NHNN; Quyết định 1064/QĐ-NHNN; Thông tư số 39/2016/TT-NHNN...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với IFC ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng (15 ngành kinh tế có rủi ro cao về môi trường xã hội).
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng công tác tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng xây dựng triển khai ngân hàng, tín dụng xanh thông qua việc tổ chức cho các Đoàn công tác khảo sát trong nước, quốc tế về Chiến lược ngân hàng xanh và thúc đẩy tài chính xanh thông qua sáng kiến Fintech và ngân hàng số; Đào tạo cho cán bộ ngân hàng Nhà nước, cán bộ tín dụng của các tổ chức tín dụng về tín dụng, ngân hàng xanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiến hành tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng thực hiện ngân hàng, tín dụng xanh thông qua việc huy động nguồn lực từ các ổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương.
Cụ thể, chúng tôi đã hoàn thiện các điều kiện hiệu lực cho Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (vốn vay 101,7 triệu USD). Phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi hỗ trợ từ Quỹ khí hậu xanh (GCF), tổng vốn hỗ trợ kỹ thuật và quỹ bảo lãnh từ GCF là 86,3 triệu USD.
Tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật từ kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam, giai đoạn II; Tiếp nhận từ Quỹ Quy hoạch Đầu tư phát triển và xây dựng ngành năng lượng Đông Nam Á trị giá 0,2 triệu USD do ADB tài trợ; Tiếp nhận sáng kiến và đổi mới tài chính xanh để phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục triển khai Dự án tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với các dự án xanh do ADB tài trợ để các tổ chức tín dụng tiếp cận và áp dụng các mô hình/cơ chế tài chính xanh.
Ngoài ra, một trong những hoạt động đem lại những hiệu ứng tích cực đến từ việc phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện.
Hàng loạt chương trình hành động cụ thể như vậy đã giúp ngành tín dụng ngân hàng thu về kết quả như thế nào, thưa bà?
-Theo đánh giá của mạng lưới ngân hàng bền vững, Việt Nam là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN. Việt Nam hiện đang xếp thứ hạng cao nhất so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs.
Trong hoạt động tín dụng xanh, chúng ta đã có 31 tổ chức tín dụng có phát sinh dư nợ đối với các dự án xanh là 285.415 tỉ đồng, tăng 58,46% so với năm 2017; Có 36 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội, dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1.184.357 tỉ đồng với 491.246 khoản cấp tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội.
So với nhiều quốc gia khác thì năng lực của các tổ chức tín dụng trong pháttriển các sản phẩm tín dụng xanh tại Việt Nam mới ở bước đầu, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn mà ngành tín dụng ngân hàng đang phải đối mặt?
-Có thể khẳng định rằng, quá trình triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là do đầu tư vào lĩnh vưc xanh (năng lượng tái tạo, công trình xanh) có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.
Thứ hai, số dự án, phương án đầu tư và các lĩnh vực xanh chưa nhiều, đặc biệt là số dự án được cấp chứng nhận xanh (70 công trình tính đến hết năm 2019), khách hành ít do đó dư nợ sẽ hạn chế. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng có thể cho vay, tuy nhiên cần phải có những tiêu chí đánh giá rất cụ thể để phân loại ngành/lĩnh vực xanh. Thực tế, hiện chúng ta chưa có quy định cụ thể về công trình xanh, Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả còn phức tạp và rõ ràng là năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu.
Vậy, định hướng chính sách tín dụng hướng tới tăng trưởng xanh trong thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước sẽ được triển khai như thế nào, thưa bà?
-Để thúc đẩy tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng; Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho những ngành kinh tế chưa có hướng dẫn.
Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xanh. Đồng thời, triển khai các nội dung hoạt động trong “Sáng kiến các nguyên tắc bền vững ASEAN” sau khi sáng kiến được chấp thuận ban hành.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam.
Chính phủ cần xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách (từ thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch chiến lược phát triển) của từng ngành/lĩnh vực đồng bộ, cần thiết phải có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, trong đó có tổ chức tín dụng tham gia phát triển công trình xanh.
Về phía Bộ, ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có tiêu chuẩn kỹ thuật về phát triển xanh. Bộ Xây dựng cần xây dựng quy chuẩn về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả dễ sử dụng cho nhà đầu tư, tổ chức tín dụng.
08:10, 13/12/2020
16:08, 01/12/2020
07:30, 01/12/2020