22/11/2024 | 15:51 GMT+7, Hà Nội

Chuyện sân golf Đại Lải và những “chiếc gậy chống lưng” bí ẩn!

Cập nhật lúc: 19/04/2020, 11:47

Một câu hỏi tất nhiên được đặt ra: Liệu có những chiếc “gây chống lưng” nào đang tồn tại ở đây đã khiến cho kỷ cương phép nước bị buông lỏng, lòng dân không yên?

Mấy hôm nay, trên nhiều phương tiện truyền thông ồn ào và đặt dấu hỏi nghi vấn về việc coi thường kỷ cương phép nước ở sân golf Đại Lải ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, việc thực hiện chỉ thị cách ly của Thủ tướng Chính phủ đã bị buông lỏng, người chơi golf nườm nượp, xe ô tô kín chật bãi, mà phần đông lại từ địa phương có nguy cơ cao là Hà Nội đến…

Điều mà nhiều người quan tâm hơn, đó là sân golf Đại Lải lại nằm khá gần nhiều ổ dịch lớn, thí dụ như ổ dịch Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) trước đây và hiện nay là ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh).

Cảnh tượng đông đúc ở sân golf Đại Lải. (Ảnh: Sức Khỏe Cộng Đồng).

Sự việc nếu chỉ có vậy thì chỉ cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý ở địa phương, có những quyết định xử phạt hành chính tương xứng, nhưng với riêng địa danh Sân golf Đại Lải lại không chỉ dừng ở mức như thế trong trí nhớ của nhiều người trong việc coi thường kỷ cương phép nước.

Câu chuyện bắt đầu tự vụ mua bán tài sản đầy khuất tất trị giá 165 tỷ đồng diễn ra ngày 3/11/2016 giữa Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) và Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải ký “Hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuê của nhà nước” với nội dung chuyển nhượng “tổ hợp sân gôn Ngôi Sao Đại Lải” nằm trong dự án “Đầu tư xây dựng sân gôn và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ mát và du lịch” trên diện tích đất 142,011 ha.

Qua rất nhiều khâu lòng vòng khó hiểu, không được sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền nhưng vụ mua bán vẫn xảy ra.

Khi thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải, sau khi xây dựng 18 lỗ trong quy hoạch, còn lại 9 lỗ đang điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Sân gôn Đại Lải vẫn bất chấp quy định pháp luật, tự ý xây dựng 9 lỗ mới này. Sở Xây dựng Vĩnh Phúc khẳng định: Quá trình đầu tư xây dựng 9 lỗ mới chưa có giấy phép xây dựng.

Cách đây một năm, Sở Tài nguyên - Môi trường Vĩnh Phúc có Kết luận Thanh tra về việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với dự án này và cho biết: Dự án không xây lắp công trình bảo vệ môi trường (hệ thống xử lý nước thải tập trung của Tổ hợp sân golf) theo quy định; không thực hiện giám sát môi trường xung quanh theo quy định; không thực hiện trám lấp 1 giếng sau khi đã sử dụng xong; xả nước thải không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép; không thực hiện biện pháp chống thấm hồ chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại...

Nhắc qua những sự kiện trên để thấy rằng, việc không tuân thủ chỉ thị cách ly của Thủ tướng Chính phủ trong những ngày dịch Covid-19 này của Sân golf Đại Lải chỉ “bé như con muỗi” trong chuỗi hành vi của họ.

Một câu hỏi tất nhiên được đặt ra: Liệu có những chiếc “gây chống lưng” nào đang tồn tại ở đây đã khiến cho kỷ cương phép nước bị buông lỏng, lòng dân không yên?

Đến đây, tôi không khỏi liên tưởng đến vụ việc “những chiếc gậy chống lưng” trong vụ Đường Nhuệ ở tỉnh Thái Bình. Vụ việc đã được nhiều phương tiện truyền thông đưa tin và những người trong bộ máy Nhà nước đứng đằng sau kẻ phạm tội đã dần dần hiện ra và bị khởi tố.

Đó là Phạm Văn Hiệp (36 tuổi), Vũ Gia Thành (43 tuổi), lần lượt là Giám đốc và đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình (thuộc Sở Tư pháp). Đó là Hà Văn Dũng (46 tuổi), Trịnh Minh Thúy (50 tuổi) lần lượt là nhân viên và trưởng phòng Trung tâm phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên (bị can Trịnh Minh Thúy là vợ một lãnh đạo huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Nhưng có lẽ, danh sách này sẽ còn kéo dài.

Trở lại vụ việc ở Sân golf Đại Lải, có lẽ bài học của Thái Bình sẽ là tấm gương sáng để các nhà chức trách của tỉnh Vĩnh Phúc soi lại mình.