19/01/2025 | 02:35 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia nói gì về hành động chặt hạ cây phượng?

Cập nhật lúc: 06/06/2020, 11:00

Theo nhận định của chuyên gia cây xanh, ngoài ý nghĩa về mặt biểu tượng như loài hoa học trò, cây phượng hoàn toàn phù hợp với trồng trong khuôn viên nhà trường.

Tuy nhiên, cần biết cách lựa chọn cây giống, chăm sóc tới kiểm tra cây thường xuyên khi trồng lâu năm.

Sau vụ việc một học sinh tử vong do cây phượng đổ vào, tại nhiều trường học đã tiến hành chặt hạ, tỉa cành “trơ trụi”. Ảnh: TL

Biểu tượng thuở học trò bị "triệt hạ"

Những ngày đầu tháng 6, khi đi trên các con đường, hay trường học sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh thân quen của những hàng phượng vỹ rợp sắc đỏ trong nắng. Những chùm hoa phượng từ lâu như được biết đến là loài hoa biểu tượng của tuổi học trò đánh dấu kỷ niệm. Nhìn những hàng phượng vỹ bị "triệt hạ" trơ gốc không thương tiếc những ngày qua mà một số nơi đang làm, chắc hẳn ai cũng thấy buồn, thậm chí phẫn nộ bởi họ coi loài cây này như mối hiểm nguy cho con người.

Sau khi cây phượng cổ thụ trong sân Trường THCS Bạch Đằng, TP HCM bật gốc, đè 18 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong, cùng với đó là hàng loạt địa phương cũng xảy ra tình trạng cây phượng bị đổ vì gặp gió mạnh, những bài viết về lý do vì sao phượng vỹ không nên trồng ở sân trường được đăng tải, thậm chí trên các diễn đàn mạng xã hội cũng nổ ra nhiều cuộc tranh cãi không hồi kết về việc có nên để cây phượng trong các trường học?. Đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh là điều cần thiết, song một số nơi lại đang vùi dập cây phượng một cách không thương tiếc. Nhiều ý kiến cũng kêu gọi đốn hạ toàn bộ, coi loài cây này như một hiểm họa rình rập.

Từng là một nữ sinh đầy mộng mơ và yêu mến hoa phượng bởi cánh phượng rơi theo suốt những tháng năm học trò, cho đến khi trở thành giáo viên và trở lại mái trường để dạy dỗ học sinh, cô Nguyễn Thị Loan - Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) không khỏi xót xa khi thấy một số nơi tìm cách chặt hạ cây phượng một cách vô cớ. Cô tâm sự, qua sự cố cây phượng tại TP HCM bị bật gốc đổ vào các em học sinh trong sân trường và đã lấy đi mạng sống của một em học sinh và nhiều em khác bị thương, điều này thật đáng tiếc và ít ai ngờ tới tai nạn xảy ra. Thật đáng tiếc và không ai có thế ngờ tới, nhưng không phải vì thế mà các nhà trường ra tay chặt hạ những cây phượng vĩ một cách thiếu suy nghĩ.

"Cây xanh cũng cần được chăm sóc, kiểm tra, thẩm định định kỳ để phát hiện các hiện tượng nguy hiểm, nhưng để sự cố xảy ra lại đi chặt cây phượng trong khi lỗi không phải do cây. Tôi đã nhiều năm gắn bó với trường học, với học trò với cây bàng, cây phượng trên sân trường. Hình ảnh cây phượng không chỉ có chỗ đứng trong sân trường mà còn đi vào thơ ca đã được phổ nhạc, truyền từ các thế hệ này qua thế hệ học trò khác như một mặc định của tuổi cắp sách đến trường. Khắc phục để giữ lại màu hoa đỏ đặc trưng của mùa hè, vừa đảm bảo sự an toàn đó mới là giải pháp và trách nhiệm", cô Loan chia sẻ.

Cây phượng thừa tiêu chuẩn để trồng trong trường?

Trong khi với một số người tìm cách đổ lỗi cho cây phượng, hay hoài nghi về các quy định cây xanh hiện nay, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho rằng, việc triệt hạ cây xanh là sự thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm cho tương lai. Có người đặt ra câu hỏi nên hay không nên trồng cây phượng, cây bàng… trong trường học? Tôi khẳng định, nước ta có đầy đủ các tiêu chuẩn về cây xanh trong các khu vực đô thị, trường học. Cụ thể: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về Quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế. Trong đó, có quy định cây xanh trường học chọn là các cây lâu năm, có bóng mát và được kiến nghị trồng các cây: Bàng, phượng, muồng ngủ, muồng hoa đào, riềng riềng, hồng...

Phượng vĩ ngoài giá trị là cây cảnh, còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới. Nhược điểm lớn nhất của cây phượng là tuổi thọ không cao, cây trồng trong công viên, trường học thì có thể có tuổi thọ chỉ đạt 40- 50 năm. Về nguyên nhân cây phượng bị đổ trong thời gian qua, GS.TS Trần Văn Chứ cho biết, các nguyên nhân tác động từ phía con người: Trường mới xây dựng thì muốn cho đẹp mắt ngay nên trồng cây lớn, rễ cái, cành to bị cắt, hay bị xước vỏ thì đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng. Trường đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây, toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được và lâu dần sẽ chết dần. Việc xây bồn xung quanh gốc khiến thông khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây.

Với những trường học, nên chọn những cây giống có kích thước vừa phải. Cây phải có ngọn, cành và chưa đến giai đoạn trưởng thành. Đường kính khoảng 6-8cm, cao khoảng 4-5m là phù hợp. Các nhà trường, công sở có những cây được trồng trên 20 năm, nên định kỳ chăm sóc, kiểm tra (đặc biệt kiểm tra rỗng mục trong lõi). Cần phải có biện pháp chống, cắt tỉa những cành mọc vống vươn lên; khống chế chiều cao của cây. Trước mùa giông bão phải cắt tỉa cành, hạ chiều cao của cây. Đồng thời liên hệ các công ty, chuyên gia cây xanh xem xét định kỳ mức độ sâu bệnh của cây ra sao, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp. "Khách quan mà nói thì cây xanh không có lỗi. Cách hành xử chặt cây ở một số trường là cách giải quyết vấn đề "giận quá, mất khôn", GS.TS Trần Văn Chứ nhận định.

Nghệ An: Cắt tỉa cây xanh "quá tay", một số trường rút kinh nghiệm

Ngày 4/6, ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, Sở đã làm việc với Trường THPT Nghi Lộc 2 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) về sự việc trường này cắt tỉa "quá tay" 2 cây xà cừ trong khuôn viên nhà trường. Đồng thời yêu cầu trường này cũng như các trường trên địa bàn rút kinh nghiệm sâu sắc về sự việc. Bà Đặng Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 2 cho biết, rất hối tiếc về sự việc này. Việc cắt tỉa cây là nhằm đảm bảo an toàn cho các học sinh nhất là mùa mưa bão. Tuy nhiên, việc cắt tỉa 2 cây xà cừ này không đúng với ý định ban đầu. Hai cây bị cắt hơi quá gây nên dự luận trái chiều. Nhà trường sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này.V. Đồng