22/11/2024 | 04:55 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia nói gì về báo cáo Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ 2 ở Đông Nam Á?

Cập nhật lúc: 16/03/2019, 19:01

Theo TS. Phương Đông Nguyễn, Hà Nội hiện đang được cảnh báo có những dấu hiệu ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Nguyên nhân của sự ô nhiễm này là do sự gia tăng của các phương tiện giao thông vận tải và các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên phạm vi thành phố.

Báo cáo hiện trạng chất lượng không khí 2018

Theo báo cáo hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu, đặc biệt về ô nhiễm bụi PM 2.5 của tổ chức IQAir kết hợp GreenPeace công bố vào năm 2018 thì Jakarta và Hà Nội là 2 thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, trong khi Samut Sakhon - một tỉnh gần Bangkok, đứng thứ ba. 3 trong số 5 nơi ô nhiễm nhất nằm ở Thái Lan.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, nguồn dữ liệu thu thập và sử dụng cho báo cáo này bao gồm dữ liệu từ các mạng lưới các trạm quan trắc của Chính phủ ở một số quốc gia phát triển, cũng như từ các thiết bị theo dõi chất lượng không khí IQAir AirVisual chọn lọc được vận hành bởi các cá nhân, nhà nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ. Theo đó, mạng lưới quan trắc chất lượng không khí có trong báo cáo đối với khu vực Nam Á và Đông Nam Á thể hiện ở hình dưới đây:

Bản đồ các trạm quan trắc chất lượng không khí PM 2.5 có trong báo cáo ở Nam Á và Đông Nam Á. Trong đó các chấm màu xanh chỉ các trạm đo của Chính phủ, các chấm đỏ chỉ dữ liệu từ các máy đo không khí hoạt động độc lập.

Để có cái nhìn khách quan hơn về báo cáo này, TS. Nguyễn Phương Đông, giảng viên Khoa Môi trường, trường Đại học Mỏ địa chất cho biết, công cụ sử dụng và nguồn dữ liệu đánh giá của tổ chức IQAir đối với các nước đang phát triển ở Đông Nam Á hiện nay chủ yếu là được thu thập từ thông tin của hệ thống AirVisual (hệ thống máy giám sát chất lượng không khí của chính hãng).

Một điểm cần chú ý ở đây là hệ thống máy đo chất lượng không khí AirVisual Pro của hãng chủ yếu là thiết bị đo lường với chi phí thấp, sử dung công nghệ laser. Đây là phương pháp đo đạc sự suy giảm cường độ ánh sáng do ánh sáng bị hấp thụ bởi các hạt bụi khi đi xuyên qua dòng khí được hút vào bởi hệ thống quạt điều khiển không khí của máy. Độ chính xác của các thiết bị đo lường tự động này thường phụ thuộc vào hàm hiệu chuẩn cho thiết bị quan trắc, cũng như phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ và độ ẩm của luồng không khí. Do đó tùy theo mỗi khu vực địa lý, có khí hậu khác nhau, hàm hiệu chuẩn của máy sẽ cho độ chính xác khác biệt.

Ngoài ra, bên cạnh tiêu chuẩn chất lượng không khí được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dựa trên kiến ​​thức khoa học trên toàn thế giới về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người. Mỗi quốc gia khác nhau, do những điều kiện về địa lý và thời tiết khác biệt, đều áp dụng các tiêu chuẩn hợp pháp riêng biệt (trung bình năm, trung bình giờ) đối với các chất gây ô nhiễm, trong đó có bụi PM 2.5.

Có thể lấy ví dụ, tiêu chuẩn trung bình hàng năm cho phép của WHO là 10 µm/m3 được gọi là giới hạn chung toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe còn tiêu chuẩn chất liệu không khí của EPA Hoa Kỳ là ≤ 12 µm/m3.

Các tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh trên toàn thế giới đối với bụi PM 2.5 và PM 10

Chỉ số chất lượng không khí của Hoa Kỳ cho bụi 2.5

"Mạng lưới quan trắc và các điểm vị trí quan trắc chất lượng không khí cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng bản đồ và đánh giá chất lượng môi trường không khí cho một khu vực cụ thể. Đối với hệ thống AirVisual hay của một số tổ chức đánh giá khác hiện nay tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung mạng lưới điểm quan trắc còn rất ít và sơ sài", TS. Đông nhận định.

Vị trí sơ đồ các điểm đo của hệ thống AirVisual tại TP. Hà Nội

Các yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng bụi trong không khí

Một trong những yếu tố gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất là bụi và khói thải từ các phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó theo hệ số phát thải chất gây ô nhiễm theo loại nhiên liệu của các phương tiện giao thông của WHO thì xe máy và xe tải là những phương tiện phát thải lượng bụi nhiều nhất.

Chất lượng phương tiện giao thông và chất lượng đường xá cũng là một trong những nguyên nhân chính gây gia tăng ô nhiễm bụi đối với môi trường không khí. Xe ô tô và xe máy ở Việt Nam bao gồm nhiều chủng loại, có nhiều xe đã qua nhiều năm sử dụng và không được bảo dưỡng thường xuyên nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải cao.

Yếu tố thời tiết là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến hàm lượng bụi trong không khí của mỗi khu vực. Vào mùa đông, khí hậu của miền Bắc nước ta chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, mang theo luồng không khí khô và lạnh, chính vì thế hàm lượng bụi trong không khí ở thời điểm này thường cao hơn.

Chỉ số nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm và trung bình theo từng tháng
 

Việc phân bố các khu công nghiệp lớn, các nhà máy nhiệt điện trên toàn quốc cũng gây ảnh hưởng đến sự phân bố các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó theo sơ đồ phân bố các nhà máy nhiệt điện và các khu công nghiệp lớn có thể nhận thấy chất lượng không khí khu vực miền Bắc Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng hơn so với các khu vực phía Nam.

Chất lượng không khí chịu ảnh hưởng của sự phân bố các nhà máy nhiệt điện và các khu công nghiệp

Bụi mịn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Để hiểu về tác hại của bụi, theo ông Đông người dân cần phải hiểu rõ về bụi là gì? Trong thực tế bụi là sự phân tán các hạt vật chất rắn trong không khí, nó được sinh ra bởi các quá trình cơ khí hoặc bốc lên từ bề mặt các vật thể. Độ lớn của các hạt bụi thường được biểu thị bằng khái niệm đường kính khí động học tương đương có độ lớn khoảng từ 0,001 đến 100 µm.

Theo các quy chuẩn quốc tế và quy chuẩn của Việt Nam, người ta phân biệt: Tổng bụi lơ lửng (TSP) là tổng các hạt bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 100 µm. Bụi PM 10 là tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm.  Bụi PM 2.5 là tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 µm.

Kích thước của các phân tử hạt bụi càng nhỏ thì chúng càng nguy hiểm. Nếu như các hạt bụi có kích thước lớn thường được lọc qua đường hô hấp bằng các lớp bảo vệ như lông mũi, các dịch nhờn trên đường hô hấp giữ chúng lại và thải ra ngoài, thì các hạt bụi có kích thước nhỏ có thể dễ dàng xâm nhập sâu vào hệ hô hấp của con người.

Theo một số nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe của con người, thì các loại bụi mịn, đặc biệt là bụi PM 2.5 có khả năng thâm nhập sâu, tích đọng trong xương và hồng cầu gây rối loạn tủy xương, đau khớp, cao huyết áp, gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và ngoại biên; hoặc khi thâm nhập vào phổi gây kích thích cơ học, xơ hóa phổi dẫn đến các bệnh về hô hấp và gây ung thư phổi.

"Chính vì thế bụi PM 2.5 được coi là chất gây ô nhiễm có các tác động tiêu cực đến sức khỏe và thường được đo hàm lượng để đánh giá chất lượng không khí của một khu vực", TS. Đông nói. 

Các kết quả nhận được từ báo cáo của tổ chức IQAir kết hợp GreenPeace công bố vào năm 2018 mặc dù vẫn chưa thể hiện được hoàn toàn độ chính xác, nhưng cũng đã góp phần phản ánh một phần nào đó mức độ ô nhiễm không khí của các thành phố lớn ở các nước Đông Nam Á hiện nay, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Hà Nội hiện đang được cảnh báo có những dấu hiệu ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi. Nguyên nhân của sự ô nhiễm này là do sự gia tăng của các phương tiện giao thông vận tải và các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên phạm vi thành phố.

Cũng theo TS. Đông, để có thể đánh giá một cách chính xác và khách quan hơn chất lượng không khí của một khu vực hoặc một thành phố lớn đòi hỏi mạng lưới điểm quan trắc không khí phải dày đặc hơn. Hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng cần phải được thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh các phần mềm ứng dụng quan trắc, dự báo và đánh giá chất lượng môi trường đồng bộ hóa giữa dữ liệu các cơ quan Chính phủ với tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.