19/01/2025 | 11:55 GMT+7, Hà Nội

Chuỗi cửa hàng KeikoJapan "mập mờ" nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn phụ trên sản phẩm

Cập nhật lúc: 18/12/2018, 00:25

Mặc dù được biết đến là nơi chuyên kinh doanh hàng nhật nhưng nhiều mặt hàng nhập khẩu được bày bán tại chuỗi cửa hàng này không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt và không dán tem hợp quy trên sản phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhãn hàng hóa khiến người tiêu dùng hoang mang và lúng túng khi mua hàng...

Theo ghi nhận của PV, tại một trong số các cửa hàng của Keiko bày bán đa dạng trên 400 mặt hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng tiện ích gia đình, thực phẩm cho mẹ và bé,... Thế nhưng, dù bao bì sản phẩm được in “chi chít” chữ tiếng Nhật song trên các sản phẩm không hề được dán tem nhãn phụ thể hiện những thông tin cần thiết bằng tiếng Việt về thành phần, tính năng, cách sử dụng, cảnh báo, xuất xứ hàng hóa, nhà nhập khẩu mà thay vào đó là chỉ là một bảng thông tin nhỏ bên ngoài cạnh sản phẩm. 

Các sản phẩm tại Keiko không dán tem nhãn phụ theo đúng quy định

Các sản phẩm tại Keiko không dán tem nhãn phụ theo đúng quy định

Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 mục 1 Thông tư 09/2007/TT-BKHCN đã quy định "Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất nội dung của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ không được làm hiểu sai lệch nội dung của nhãn gốc". Trong đó, bao bì thương phẩm thì bao gồm hai loại là bao bì trực tiếp và bao bì ngoài: bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hoá, tiếp xúc trực tiếp với hàng hoá, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hoá; bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hoá có bao bì trực tiếp.

Và đối với hành vi không dán nhãn phụ sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định 80/2013/NĐ-CP như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:

b) Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

2. Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây:

g) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng…

Không chỉ có vậy, biển hiệu của Keiko Japan gần như giống tương tự, "nhái" chuỗi cửa hàng Sakuko - chuyên hàng Nhật nội địa, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn về 2 thương hiệu này.

Biển hiệu giống nhau dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về 2 thương hiệu chuyên hàng Nhật nội địa này

Biển hiệu giống nhau dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về 2 thương hiệu chuyên hàng Nhật nội địa này

Việc các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài không có nhãn phụ không chỉ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thành phần của sản phẩm mà còn gia tăng tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng...

Trên tinh thần thượng tôn người tiêu dùng, chúng tôi sẽ làm việc với phía doanh nghiệp để xác minh sự việc trên đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và xử lý vi phạm nếu có.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.