Chuỗi cửa hàng Skin house: Mỹ phẩm không nhãn phụ “núp bóng” hàng xách tay?
Cập nhật lúc: 25/10/2018, 19:00
Cập nhật lúc: 25/10/2018, 19:00
Kể từ khi ra mắt thị trường cho đến nay, Skin House đã có khá nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Đây là nơi chuyên kinh doanh các sản phẩm đến từ Hàn Quốc, thu hút khá nhiều khách hàng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các sản phẩm được bày bán tại những cơ sở của Skin house đều không hề có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định. Chưa nói đến việc mập mờ nguồn gốc, xuất xứ, việc không có nhãn phụ chú thích rõ ràng dường như đang “đánh đố” khách hàng người Việt khi trên bao bì sản phẩm là chữ nước ngoài.
Khi được hỏi về việc tại sao các mặt hàng không có nhãn phụ, nhân viên của Skin house tại cơ sở Trần Đại Nghĩa trả lời, do những sản phẩm này trực tiếp được xách tay từ nước ngoài về và không thông qua công ty nào nên không có nhãn phụ.
Tiếp tục khảo sát thêm các cơ sở tại Chùa Bộc, Nguyễn Phong Sắc… thì câu trả lời mà PV nhận được cũng tương tự như vậy.
Đáng chú ý chuỗi cửa hàng này từng bị các cơ quan chức năng "chỉ điểm" do vi phạm quy định về việc dán nhãn hàng hóa nhập khẩu song vẫn tiếp tục tái phạm.
Việc dán nhãn phụ đối với mặt hàng nhập khẩu là để người tiêu dùng hiểu rõ về nguồn gốc, thành phần và tác dụng của sản phẩm. Cho đến thời điểm hiện tại, Skin house vẫn đang tiếp tục tái phạm. Có hay không việc nhân viên đang lừa dối khách hàng về nguồn gốc của toàn bộ sản phẩm được bày bán đều là “hàng xách tay” chính hãng?
Bạn Kim Anh (sinh viên tại Hà Nội) cho biết: “Mỗi khi mua mỹ phẩm tại Skin house, do không có tem nhãn tiếng Việt nên sản phẩm nào mình cũng phải gọi nhân viên đến để hỏi về công dụng cũng như thành phần, như thế rất phiền. Khi biết các sản phẩm này không dán nhãn phụ theo quy định mình đã rất lo lắng và cảm thấy mất niềm tin vào Skin house”.
Bên cạnh đó, có một điều “khó hiểu” đang diễn ra là việc Skin house bán nhiều sản phẩm với giá thành thấp hơn so với show room chính hãng của sản phẩm đó.
Cụ thể, với sản phẩm sữa rửa mặt Vichy, trong khi tại cửa hàng phân phối của Vichy, một lọ sữa rửa mặt dung tích 200ml có giá gần 500.000 đồng thì ở Skin house, với dung tích gấp đôi nhưng chỉ có giá hơn 300.000 đồng.
Nhân viên của Skin house giải thích, do là hàng xách tay, không qua thuế, phí nên giá thành của sản phẩm tại đây thấp hơn. Tuy nhiên, vẫn có người đặt ra câu hỏi liệu giá cả rẻ một cách bất thường như thế thì chất lượng của sản phẩm có đảm bảo hay không?
Bạn Quốc Anh (20 tuổi, Quận Đống Đa) chia sẻ: “Mặc dù Skin house bán nhiều mặt hàng với giá rẻ hơn trong show room nhưng nếu chọn để sử dụng mình vẫn chọn sản phẩm của nhà phân phối chính hãng. Nói thật, với mức giá rẻ bất ngờ như thế khiến mình lo ngại về chất lượng của sản phẩm”.
Sự việc này đòi hỏi sự vào cuộc chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc quản lý kinh doanh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Khoản 3, Điều 9, chương I, Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định rõ: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".
07:00, 05/10/2018
07:01, 01/10/2018
07:00, 27/09/2018