18/01/2025 | 14:45 GMT+7, Hà Nội

Chức năng phổi của phi công người Anh đã cải thiện, tỷ lệ đông đặc phổi giảm

Cập nhật lúc: 20/05/2020, 13:49

Tại buổi hội chẩn trực tuyến các ca bệnh Covid-19 nặng chiều 19-5, Bộ Y tế thông báo tin vui là chức năng phổi của ca bệnh Covid-19 nặng nhất Việt Nam – phi công người Anh – đã cải thiện…


Hình ảnh buổi hội chẩn trực tuyến từ điểm cầu Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM

Chiều nay, 19-5, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế gồm các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa, ghép tạng, truyền nhiễm… đã có cuộc hội chẩn trực tuyến điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng.

Trong đó, các chuyên gia đã thảo luận, xem xét về tình hình sức khoẻ, đánh giá khả năng ghép phổi cho bệnh nhân Covid-19 thứ 91 (43 tuổi, là phi công người Anh của hãng Vietnam Airlines) và hướng điều trị ca bệnh này.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM – cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 số 91, hiện phi công người Anh đã chạy ECMO ngày thứ 44, đang tiếp tục thở máy, không sốt, tiên lượng còn nặng.

Tuy nhiên, tin rất vui là tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam hiện nay đã có dấu hiệu tiến triển. Theo đó, bệnh nhân 91 đã có 5 lần liên tiếp kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 (11 ngày liên tục âm tính) và đã ngừng dẫn lưu màng phổi, đang đợi kết quả nuôi cấy virus bất hoạt.

Đặc biệt, tình hình nhiễm trùng của bệnh nhân được khống chế tương đối tạm ổn bằng kháng sinh. Trong khi đó, chức năng phổi cũng đã cải thiện, hai phổi giảm đông đặc, tỷ lệ đông đặc từ 90% hiện giảm xuống còn gần 80%.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (giữa) phát biểu

Tại buổi hội chẩn trực tuyến, các thành viên tham gia hội chẩn đồng tình với ý kiến báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Theo đó, đối với bệnh nhân phi công người Anh, các chuyên gia đều cho rằng cần tiếp tục điều trị nội khoa để hồi sức tích cực hơn nữa, tiếp tục chạy ECMO để duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Các thành viên tham gia hội chẩn cũng thống nhất chuyển bệnh nhân từ Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM đến trung tâm điều trị chuyên sâu về hồi sức tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ủng hộ phương án này để tiếp tục điều trị cho người bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho rằng, việc bệnh nhân Covid-19 số 91 đã có những dấu hiệu cải thiện như trên là sự nỗ lực lớn không chỉ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy mà còn là trí tuệ tập thể của các chuyên gia đầu ngành.

“Chúng ta cố gắng giữ bệnh nhân sống, góp phần giữ vững chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam”- ông Khuê nhấn mạnh.

Về vấn đề sau điều trị tích cực nội khoa, có thực hiện ghép phổi cho bệnh nhân phi công người Anh hay không, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, việc ghép phổi chỉ thực hiện khi bệnh nhân 91 đảm bảo các yêu cầu về cả sức khoẻ và các điều kiện liên quan.