Cho trẻ chơi đồ chơi nhào nặn kiểu này có ngày mất tay
Cập nhật lúc: 15/10/2018, 13:01
Cập nhật lúc: 15/10/2018, 13:01
Để đảm bảo an toàn, phụ huynh khi mua slime cho con cần kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: T.L.
Nhiều trường hợp bỏng tay, lở loét da
Đồ chơi slime có nguồn gốc từ nước ngoài được rất nhiều trẻ em yêu thích, bởi slime có độ mềm mại như nước nhưng lại dai như cao su. Trẻ có thể tạo ra nhiều hình thù khác nhau từ slime với đủ kích cỡ và màu sắc. Trên mạng xã hội còn có nhiều nhóm được tạo ra chỉ để thu hút những người có nhu cầu mua slime như “hội người yêu thích slime” hay “chợ xà lam”…
Nắm bắt được nhu cầu, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại. Tại các cửa hàng tạp hóa, hàng rong hay tại các chợ, mạng xã hội rất dễ mua được đồ chơi này. Giá cả chỉ từ 20.000 - 100.000 đồng. Theo tìm hiểu, slime có hai loại chính gồm một loại dẻo như bã kẹo cao su đã nhai hết và loại hình dạng giống thạch rau câu, hơi lỏng. Bên cạnh loại slime có nhà nhập khẩu, nguồn gốc, xuất xứ cũng không hiếm sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần.
Ít ai nghĩ rằng, loại đồ chơi bắt mắt này lại tiềm ẩn những mối nguy hại. Tuy nhiên mới đây, chia sẻ của một người mẹ ở Tây Ninh về trường hợp cậu con trai 8 tuổi sau một thời gian mua slime về cho con nặn thì 10 đầu ngón tay của con sưng tấy và lở loét đã khiến cho nhiều cha mẹ lo ngại về sản phẩm này. Theo chia sẻ của người mẹ, khi đưa con đến viện kiểm tra, bác sỹ chẩn đoán bị viêm da mủ. Nếu chậm trễ, nhiễm trùng lan rộng, có nguy cơ phải tháo khớp.
Trước đó, cũng đã ghi nhận các trường hợp dị ứng với loại đồ chơi này. Ngày 18/9 vừa qua, tại Trường THCS Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã có 19 học sinh bị choáng, nhức đầu, buồn nôn, mệt, mặt mũi nhợt nhạt. Tất cả các học sinh đều được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Gò Công (Tiền Giang) điều trị. Nguyên nhân được xác định bị dị ứng hóa chất từ đồ chơi chất nhờn ma quái được mua trước cổng trường.
Không chỉ ở nước ta, trên thế giới cũng ghi nhận không ít trẻ gặp tai họa khi chơi đồ chơi này. Cô bé Layla Fisher, 10 tuổi sống tại Oadby (Anh), bị loại đồ chơi này làm cho đôi tay phồng rộp đau đớn và tình trạng nhiễm trùng da ngày càng nặng. Trường hợp khác là Kathleen Quinn, 11 tuổi sống ở Massachusetts (Hoa Kỳ) vì yêu thích đồ chơi này đã tự mình chế tạo ra sản phẩm này bằng cách pha trà, nước và hàn the (borat natri) lại với nhau. Đồ chơi này đã khiến đôi bàn tay của bé bỏng, mất cảm giác cầm nắm.
Tự làm slime càng nguy hại hơn
Không chỉ những loại slime không rõ nguồn gốc, hiện trên mạng có rất nhiều các video hướng dẫn tự làm slime tại nhà với thành phần phối trộn có nước rơ lưỡi chứa hàn the. Trao đổi với PV Báo Gia đình&Xã hội, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, nguyên cán bộ Viện vật lý kỹ thuật (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, đồ chơi trẻ em bằng chất dẻo với nhiều màu sắc dùng để nhào nặn tạo hình đều có chứa nhiều chất hóa học. Hàn the tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Đây là chất tạo độ dẻo dính nhưng nó có phản ứng tỏa nhiệt trong môi trường có nước, ẩm. Nếu được cho vào mà không đúng liều lượng, quá nhiều làm phản ứng càng mạnh, trong khi da trẻ còn non sẽ dễ gây bỏng.
Chưa kể, trong đó có pha không đúng liều lượng, tạp chất lẫn vào như axit chẳng hạn sẽ tác dụng lên các tế bào da. Nhất là các tế bào da của trẻ còn non, càng làm da bị ăn mòn nhanh. Càng nguy hiểm hơn, khi người bán hay người chế ra slime mà sử dụng baking soda vì chất này có tính kiềm cao dễ gây ăn mòn da, gây ngứa, viêm da. Thường baking soda hay dùng lau chùi dụng cụ nhà bếp, tẩy rửa các khu vực cần vệ sinh nhờ đặc tính mài mòn.
“Đáng nói là đa phần trẻ khi chơi thường là rất lâu, có khi cả tiếng đồng hồ không rửa tay. Trẻ vừa chơi lại vừa ăn uống. Việc tiếp xúc thường xuyên với chất hoá học sẽ có nguy cơ dị ứng cao, có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng nghiêm trọng. Chất độc cũng có thể ngấm vào cơ thể qua da và gây lên ngộ độc. Vậy nên khuyến cáo phụ huynh không cho các cháu chơi slime không rõ nguồn gốc, những đồ chơi không rõ thành phần hoá học và càng tuyệt đối không tự ý pha trộn các thành phần để tạo thành slime tự chế”, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), đồ chơi slime khá phổ biến trên thế giới. Thành phần phối trộn để tạo thành slime chứa nhiều chất hóa học. Slime nếu được làm từ những thành phần an toàn sẽ không ảnh hưởng. Nhưng đồ chơi này có thể tự làm được dễ dàng nên không thể biết khi sản xuất có cho thêm các loại hóa chất gì có độc hại hay không? Bằng mắt thường, phụ huynh khó có thể biết những loại hóa chất có trong đó. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có cảnh báo chính thức về loại đồ chơi này. Hơn nữa, khi cho trẻ chơi các bậc cha mẹ cần phải quan sát, trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi rất dễ cho vào mồm. Dù được làm từ thành phần an toàn đến mấy thì cũng không phải là thức ăn được.
Các chuyên gia khuyến cáo, với loại slime có kim tuyến càng cần thận trọng hơn khi sử dụng. Khi kim tuyến bám trên slime vô tình dùng tay sử dụng dính kim tuyến rồi trẻ đưa tay lên dụi mắt, cho vào miệng… dễ làm nhiễm trùng miệng, mũi, đường hô hấp. Chưa kể kim tuyến còn có thể gây ngứa da, bị dị ứng khó điều trị. Dù sản phẩm an toàn hay không cũng nhắc nhở trẻ không được cho vào miệng để nếm thử. Sau khi chơi cần rửa thay sạch sẽ bằng xà phòng.
Để đảm bảo an toàn, phụ huynh khi mua đồ chơi cho con cần kiểm tra kỹ nhãn sản phẩm, tên cơ sở sản xuất và kỹ hơn nữa là chọn sản phẩm có dấu CR - ký hiệu đồ chơi được kiểm định là an toàn, tránh mua hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không cho trẻ tự chế các sản phẩm có liên quan đến hóa chất. Cha mẹ cũng lưu ý tránh để trẻ chơi đồ chơi như slime trong thời gian quá dài. Nên quy định rõ ràng giờ chơi mỗi lần cho con, khoảng 15-20 phút rồi rửa sạch tay ngay sau khi chơi trò chơi. Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện |
Phương Thuận – Hà Dương