19/01/2025 | 02:44 GMT+7, Hà Nội

Cháy mãi ngọn lửa “Ba sẵn sàng”

Cập nhật lúc: 01/05/2020, 14:36

Gần 56 năm đã trôi qua kể ngày 9/8/1964, phong trào “Ba sẵn sàng” đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng và lòng yêu nước trong hàng vạn thanh niên Thủ đô. Họ “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm...

Gần 56 năm đã trôi qua kể ngày 9/8/1964, phong trào “Ba sẵn sàng” đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng và lòng yêu nước trong hàng vạn thanh niên Thủ đô. Họ “Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng nhập ra nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”…

Năm 1964, cả Thành đoàn Hà Nội lúc đó thức suốt đêm chuẩn bị phương án, cuối cùng đi đến quyết định phát động phong trào "Ba sẵn sàng" và quyết định ngày 9/8 sẽ có cuộc mít-tinh lớn. Sau khi đọc lời kêu gọi, đoàn tuần hành đi dọc hồ Hoàn Kiếm và đến Nhà hát Lớn Hà Nội hô khẩu hiệu, tất cả mọi người đứng dậy hoan nghênh và biểu thị thái độ sẵn sàng chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang, sẵn sàng đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến.

Ông Nguyễn Hữu Trác, 65 tuổi, nhà ở quận Nam Từ Liêm, cựu thanh niên xung phong giai đoạn 1964 - 1972, kể lại: "Thời kỳ đó, chúng tôi được anh hùng lao động Hồ Giáo tới nói chuyện. Cuộc nói chuyện rất hấp dẫn. Câu chuyện chỉ xoay quanh việc anh Hồ Giáo được giao nhiệm vụ trên nông trường, nuôi trâu nuôi bò, thức trắng đêm đỡ đẻ cho bò... Với chúng tôi thời đó và ngay cả bây giờ, hình ảnh đó rất đỗi tuyệt vời, chắc chắn là hơn rất nhiều so với thần tượng nghệ thuật của giới trẻ ngày hôm nay".

Mùa thu năm 1964 vẫn in dấu sâu đậm trong ký ức của ông Hàn Tiến Nhâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội, Trưởng ban Liên lạc Thanh niên xung phong 13C Hà Nội. Ông nhớ lại: "Trong không khí cả nước sôi sục chống Mỹ cứu nước, phong trào “Ba sẵn sàng” đã cổ vũ lớp lớp thanh niên Thủ đô lên đường, cống hiến cho Tổ quốc. Lúc bấy giờ, tôi vừa học xong lớp 10 (hệ 10 năm) nhưng quyết định không thi đại học mà hăng hái tham gia thanh niên xung phong".

Từ Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã lan tỏa nhanh đến các tỉnh, thành phố, thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy và cổ vũ phong trào cách mạng cho lớp lớp thanh niên miền Bắc náo nức “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, gợi mở cho sự ra đời và phát triển của các phong trào “Phụ nữ 3 đảm đang” và phong trào “5 xung phong” của tuổi trẻ miền Nam. Từ đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào "Ba sẵn sàng" đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ.

Phong trào "Ba sẵn sàng" được ví như "mồi lửa" thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội vốn đã như "củi khô" chờ được “đốt cháy”. Thời đó, quyết tâm vì miền Nam ruột thịt, tất cả thanh niên trong các trường học cấp 3, đại học, công xưởng, nhà máy đến các nông trường, đường phố, cơ quan, thôn, bản… đều thể hiện quyết tâm sẵn sàng cho cuộc quyết chiến lịch sử.

Từ phong trào "Ba sẵn sàng", hàng ngàn sinh viên, học sinh đã viết thư bằng máu xin được ra trận. Nhiều người đang du học ở Liên Xô (cũ) tức tốc gửi đơn xin về nước chiến đấu. Hàng trăm người chấp nhận tạm dừng việc học, kể cả ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, nóng lòng mong được ra trận.

Những người sống lâu năm ở Hà Nội vẫn còn nhớ về việc mỗi tối đường phố Hà Nội rầm rập bước chân của thanh niên, sinh viên trong các cuộc mít-tinh, tuần hành cùng với những tiếng hô "Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần".

Hàng vạn thanh niên Hà Nội đã lên đường, đi đến khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng với thanh niên cả nước, những người con của Hà Nội đã có mặt ở nơi khó khăn, ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Họ noi theo tấm gương của những nhân vật được coi là điển hình về sự cống hiến của Tổ quốc và đến lượt họ lại trở thành những tấm gương điển hình cho những thế hệ sau noi theo.

Nhớ lại một thời hào hùng, bà Nguyễn Thị Mỹ (ở quận Ba Đình) kể: “Năm 1964, ở tuổi 17, vừa học xong lớp 8 (hệ 10 năm), tôi háo hức tham gia thanh niên xung phong. Nơi chúng tôi đóng quân, núi rừng heo hút. Điều kiện sinh hoạt và lao động hết sức gian khổ nhưng không bao giờ thiếu tinh thần đoàn kết, thương yêu của đồng đội. Anh chị em cùng chia ngọt sẻ bùi, động viên nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông Vũ Minh Tâm, Đại đội phó Đại đội khu Đống Đa công trường 13C bộc bạch: “Dù những đôi bàn tay phồng rộp vì cầm búa, cầm choòng, đôi vai bỏng rát vì gánh đất đá, ăn uống thiếu thốn, bữa độn ngô, độn sắn, thức ăn chủ yếu là cá khô, chuối rừng… nhưng vì nhiệm vụ vẻ vang, ai nấy đều gắng sức”. 

Thanh niên xung phong không quản gian khổ, hy sinh mở đường, bắc cầu cho xe trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại (nguồn: TTXVN)

"Hơn một năm sau, tuyến đường 13C hoàn thành. Do yêu cầu cấp thiết của chiến trường, cấp trên điều động các đơn vị tham gia công trường 13C tăng cường, bảo đảm giao thông cho khu vực từ Ninh Bình đến Thanh Hóa - Nghệ An. Nơi đây, giặc Mỹ ngày đêm đánh phá ác liệt và 10 đồng chí thanh niên xung phong đã hy sinh. Trong đó có đồng chí Trần Văn Cổn (quê ở huyện Gia Lâm) hy sinh trên cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) khi chỉ ngày hôm sau là hoàn thành nhiệm vụ, được trở về Hà Nội học đại học”, ông Hàn Tiến Nhâm xúc động nhớ lại.

Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sinh trưởng trong gia đình trí thức ở Hà Nội. Thùy Trâm là nữ sinh trường Bưởi - Chu Văn An và trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau 3 tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách Bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh xá dân sự nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề. Trước khi hy sinh 2 ngày, chị vẫn đang viết dở cuốn nhật ký, nội dung là những suy nghĩ, cảm xúc về gia đình, xã hội và cuộc chiến, khi trực diện với sự sống, cái chết đang diễn ra.

Anh Nguyễn Văn Thạc sinh ra và lớn lên tại làng Bưởi, là học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Ngày 6/9/1971, anh đã cùng với 21 sinh viên K15 Toán - Cơ và nhiều sinh viên khác gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Rời nghiệp bút nghiên, anh Thạc cùng hàng ngàn sinh viên Thủ đô lên đường chiến đấu. Sau 6 tháng huấn luyện, tháng 4/1972, anh bắt đầu hành quân vào chiến trường và cuốn nhật ký "Chuyện đời" ra đời trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ (từ ngày 2/10/1971 đến ngày 3/6/1972). Trước khi hành quân vào chiến trường Quảng Trị, từ ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), anh đã gửi cuốn nhật ký cùng nhiều lá thư về cho anh trai mình. Hai tháng sau, ngày 30/7/1972, anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Những thanh niên Hà Nội như chị Trâm, anh Thạc đã cống hiến, hy sinh tuổi hai mươi của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước như thế.

Trở về sau những tháng năm cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của dân tộc, thế hệ cựu thanh niên xung phong công trường 13C Hà Nội vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội. Trong số họ, tiêu biểu là ông Ngô Anh Quỹ (76 tuổi) đã 15 năm đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Đông Anh; còn bà Nguyễn Thị Mỹ (72 tuổi) đang làm tổ trưởng phụ nữ, tổ trưởng người cao tuổi tổ 13B, khu dân cư số 6, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Họ vẫn nêu cao tinh thần của thanh niên xung phong “lúc trẻ xông pha, về già mẫu mực”, cống hiến cho địa phương.

Lần giở những bức ảnh kỷ niệm mỗi lần gặp mặt, ông Hàn Tiến Nhâm cho biết: “Thế hệ chúng tôi nay đều đã ở độ tuổi gần 80 và còn hơn 500 người vẫn sinh hoạt, gặp gỡ nhau đều đặn. Đến nay, 100% thành viên đã được hưởng chế độ chính sách. Các cựu thanh niên xung phong công trường 13C Hà Nội luôn nêu gương làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, cùng nhau đùm bọc, sẻ chia lúc ốm đau, hoạn nạn…”.

Giờ đây, nhiều người tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng những ký ức hào hùng 55 năm trước của lớp thanh niên xung phong 13C Hà Nội - lực lượng đầu tiên thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng” của Thành đoàn Hà Nội vẫn đang truyền tiếp ngọn lửa yêu nước của cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau, để mãi tỏa sáng tinh thần của thanh niên xung phong. Khi được hỏi: “Bác có nhắn nhủ gì cho lớp trẻ?”, ông Vũ Minh Tâm bày tỏ: “Chỉ có thử thách trong lao động sản xuất, thực tế cuộc sống mới giúp thanh niên trưởng thành. Trường đại học lớn nhất là học ở quần chúng, học ở nhân dân, học trong lao động và lao động sáng tạo mới thành công dân tốt. Tôi mong các thanh niên tình nguyện Thủ đô hôm nay hãy cố gắng nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu hết mình như câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay...”.

Tiếp lửa truyền thống, phong trào thanh niên tình nguyện và nay là phong trào “Xung kích phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô”, “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tôi yêu Hà Nội” đã gặt hái được những thắng lợi to lớn, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ Thủ đô và đất nước. Thắng lợi ấy có thể kể đến bằng ý nghĩa nhân văn, sức lan tỏa rộng rãi trong từng hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Đoàn Thanh niên thành phố như: Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa; Chiến dịch tình nguyện mùa hè xanh; Các đội hình tình nguyện tuyên truyền văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội; Đội phản ứng nhanh về giao thông; Đội hình 3+; Ngày thứ Bảy tình nguyện; Ngày Chủ nhật xanh; Khăn hồng tình nguyện; Chiến dịch Kỳ nghỉ hồng; Hành quân xanh; Hoạt động tình nguyện quốc tế “Chung sức trẻ xây đắp tình hữu nghị” tại nước bạn Lào…

“Ba sẵn sàng” đến Thanh niên tình nguyện là một dấu gạch nối diệu kỳ của lịch sử, là sự tiếp nối vẻ vang, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần xung kích, tình nguyện, ý thức trách nhiệm và bầu nhiệt huyết nóng bỏng của các lớp thế hệ trẻ Hà Nội đối với Thủ đô và đất nước. Những bài học sâu sắc về sự nhạy bén, về lựa chọn nội dung phong trào, tên gọi, cách thức phát động, tổ chức, chỉ đạo phong trào, về phương pháp vận động thanh niên tham gia phong trào và bài học về giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên được rút ra từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Thanh niên tình nguyện” là hành trang vô cùng quý giá cho những người làm công tác Đoàn của Thủ đô hôm nay.

“Ba sẵn sàng” và Thanh niên tình nguyện, với sự nhanh nhạy, trí tuệ và quyết đoán của những người làm công tác thanh niên, với tấm lòng thiết tha được cống hiến cho sự phồn vinh của dân tộc của những người trẻ tuổi, các thế hệ trẻ Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, xứng đáng với niềm mong đợi về một lớp thanh niên sẵn sàng tình nguyện, dời non lấp biển, là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước.

Trong rất nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm của tuổi trẻ Thủ đô gần đây, rất nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên để thể hiện quyết tâm sẵn sàng đón nhận mọi nhiệm vụ dù khó khăn, gian khổ, đòi hỏi sự bền bỉ lao động, sự sáng tạo không ngừng và mỗi chúng ta cũng sẵn sàng vui vẻ chấp nhận sự hy sinh vì lợi ích lớn lao của Tổ quốc, của dân tộc. Lấy tình nguyện, xung kích đi đầu trong học tập, lao động, sáng tạo, trong trau dồi đạo đức cách mạng, trong bảo vệ Tổ quốc, để tạo nên những giá trị cốt lõi của tuổi trẻ Thủ đô thời đại mới, đó là: Trung thành, sáng tạo, khát vọng, dấn thân, tôn trọng và trách nhiệm, xứng đáng người con của Thủ đô Anh hùng.

Để làm tròn xứ mệnh của Đoàn là môi trường lớn rèn luyện, trưởng thành, là đội quân hậu bị tin cậy của Đảng, mỗi bạn trẻ Thủ đô hãy tiếp nối những trang sử vẻ vang của thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng”; mỗi người cùng suy ngẫm để nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn trách nhiệm của mình với lịch sử và tương lai đất nước. Mỗi người suy ngẫm và phải hiểu được đất nước, Thủ đô đang cần gì và mỗi chúng ta cần phải làm gì cho Tổ quốc. Trong đó những bài học về lịch sử phải trở thành những suy ngẫm và hành động sáng suốt cho tương lai. “Chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và bảo vệ vững chắc bờ cõi Việt Nam”, hơn lúc hết là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đối với thanh niên hôm nay